Ngân hàng thương mại có được quyền kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng không?
- Mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng có buộc phải thể hiện trong văn bản thỏa thuận cho vay với Ngân hàng thương mại không?
- Khách hàng có phải báo cáo việc sử dụng vốn vay cho Ngân hàng thương mại không?
- Ngân hàng thương mại có được quyền kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng không?
Mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng có buộc phải thể hiện trong văn bản thỏa thuận cho vay với Ngân hàng thương mại không?
Căn cứ khoản 1 Điều 23 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về thỏa thuận cho vay như sau:
Thỏa thuận cho vay
1. Thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của tổ chức tín dụng cho vay; tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc mã số doanh nghiệp của khách hàng;
b) Số tiền cho vay; hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng; hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;
c) Mục đích sử dụng vốn vay;
d) Đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ;
đ) Phương thức cho vay;
e) Thời hạn cho vay; thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức, thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng, hoặc thời hạn duy trì hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;
...
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
...
2. Tổ chức tín dụng cho vay là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm:
a) Ngân hàng thương mại;
b) Ngân hàng hợp tác xã;
c) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
d) Tổ chức tài chính vi mô;
đ) Quỹ tín dụng nhân dân;
e) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
...
Như vậy, theo quy định thì mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng phải được thể hiện trong văn bản thỏa thuận cho vay với Ngân hàng thương mại.
Mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng có buộc phải thể hiện trong văn bản thỏa thuận cho vay với Ngân hàng thương mại không? (Hình từ Internet)
Khách hàng có phải báo cáo việc sử dụng vốn vay cho Ngân hàng thương mại không?
Căn cứ khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về việc cung cấp thông tin như sau:
Cung cấp thông tin
1. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay: Lãi suất cho vay; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này.
2. Khách hàng cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các tài liệu gửi cho tổ chức tín dụng:
a) Các tài liệu quy định tại Điều 9 Thông tư này;
b) Báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay;
c) Các tài liệu để chứng minh việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.
Như vậy, theo quy định thì khách hàng có trách nhiệm báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay cho Ngân hàng thương mại.
Ngân hàng thương mại có được quyền kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng không?
Căn cứ khoản 2 Điều 24 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về kiểm tra sử dụng tiền vay như sau:
Kiểm tra sử dụng tiền vay
1. Khách hàng có trách nhiệm sử dụng vốn vay và trả nợ theo nội dung thỏa thuận; báo cáo và cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay theo yêu cầu của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng có quyền thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng theo quy trình nội bộ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Thông tư này.
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 22 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định như sau:
Quy định nội bộ
...
2. Quy định nội bộ về cho vay của tổ chức tín dụng được thực hiện trong toàn hệ thống và phải có tối thiểu các nội dung cụ thể sau:
...
b) Quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay, trong đó quy định cụ thể thời hạn tối đa thẩm định, quyết định cho vay; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thẩm định, phê duyệt, quyết định cho vay và các công việc khác thuộc quy trình hoạt động cho vay;
c) Quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;
d) Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay, việc quản lý, giám sát, theo dõi tài sản bảo đảm tiền vay phù hợp với biện pháp bảo đảm tiền vay, đặc điểm của tài sản bảo đảm tiền vay và khách hàng;
đ) Chấm dứt cho vay, xử lý nợ; miễn, giảm lãi tiền vay, phí;
...
Như vậy, theo quy định, Ngân hàng thương mại có quyền thực hiện kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng theo quy trình nội bộ của Ngân hàng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.