Ngân hàng Phát triển Việt Nam có tên gọi quốc tế không? Nguồn vốn hoạt động được lấy từ đâu?
Tên, trụ sở hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quy định như thế nào?
Điều 2 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Điều lệ) quy định tên gọi, trụ sở hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như sau:
(1) Tên gọi:
Tên tiếng Việt: Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Tên giao dịch quốc tế: Vietnam Development Bank
Tên viết tắt: VDB
(2) Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trụ sở chính đặt tại thủ đô Hà Nội, có sở giao dịch, chi nhánh tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực, một số đơn vị sự nghiệp hạch toán phụ thuộc.
Địa chỉ trụ sở chính: 25A Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội
Website: www.vdb.gov.vn
Số điện thoại: +84.4.37 365 659. Fax: +84.4.37365672
Bên cạnh đó, tại Điều 1 Quyết định 108/2006/QĐ-TTg cũng có quy định như sau:
"Điều 1. Thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Phát triển) trên cơ sở tổ chức lại Quỹ Hỗ trợ phát triển (được thành lập theo Nghị định số 50/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999) để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Tên giao dịch quốc tế: The Vietnam Development Bank
Tên viết tắt: VDB
Ngân hàng Phát triển có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu, được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, được tham gia hệ thống thanh toán với các ngân hàng và cung cấp dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Phát triển kế thừa mọi quyền lợi, trách nhiệm từ Quỹ Hỗ trợ phát triển."
Căn cứ vào những quy định trên, có thể thấy tên giao dịch quốc tế của Ngân hàng Phát triển Việt Nam là VDB (Vietnam Development Bank), có trụ sở hoạt động chính tại Hà Nội.
Tên gọi quốc tế của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam gồm những gì?
Điều 3 Quyết định 108/2006/QĐ-TTg quy định về nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như sau:
(1) Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước
a) Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
b) Vốn của ngân sách nhà nước cấp cho các dự án theo kế hoạch hàng năm;
c) Vốn ODA được Chính phủ giao.
(2) Vốn huy động:
a) Phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi theo quy định của pháp luật;
b) Vay của Tiết kiệm bưu điện, Quỹ Bảo hiểm xã hội và các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước.
(3) Nhận tiền gửi ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước.
(4) Vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, tín dụng và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức trong và ngoài nước.
(5) Vốn nhận ủy thác cấp phát, cho vay của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước.
(6) Các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7 Điều lệ quy định chi tiết về vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như sau:
"Điều 7. Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
1. Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 30.000 tỷ đồng (ba mươi nghìn tỷ đồng).
2. Việc thay đổi mức vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong từng thời kỳ."
Nguyên tắc quản lý tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quy định như thế nào?
Điều 4 Nghị định 46/2021/NĐ-CP quy định nguyên tắc quản lý tài chính đối với Ngân hàng này như sau:
- Ngân hàng Phát triển là ngân hàng chính sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán, có con dấu, được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Phát triển là đơn vị hạch toán tập trung toàn hệ thống; tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật; tiến tới tự bù đắp chi phí và rủi ro trong hoạt động. Ngân hàng Phát triển thực hiện quản lý tài chính theo quy định của Nghị định này, đối với các nội dung không quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Ngân hàng Phát triển hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện chính sách tín dụng của Nhà nước và các nhiệm vụ khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và phí quản lý theo quy định của pháp luật và Nghị định này; được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước; được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán; được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm) và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Ngân hàng Phát triển được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay tái cấp vốn theo quy định của pháp luật; được tham gia thị trường liên ngân hàng, tham gia thị trường mở, tổ chức thanh toán nội bộ, cung cấp các dịch vụ thanh toán, các dịch vụ ngân hàng khác cho khách hàng, thực hiện hoạt động ngoại hối; được tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.
- Đối với hoạt động cho vay khác: ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý; các khoản thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động phát sinh được hòa nhập chung với kết quả hoạt động của Ngân hàng Phát triển theo quy định tại Nghị định này.
Như vậy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có tên gọi khi tham gia hoạt động ở thị trường quốc tế theo quy định trên, cũng như việc xác định nguồn vốn hoạt động và nguyên tắc quản lý tài chính được quy định một cách cụ thể, rõ ràng tại các văn bản điều chỉnh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.