Ngân hàng hợp tác xã có phải tổ chức tín dụng không? Điều kiện được cấp phép và hồ sơ, trình tự, thủ tục để được cấp phép được quy định như thế nào?
Ngân hàng hợp tác xã có phải là tổ chức tín dụng không, do ai thành lập?
Ngân hàng hợp tác xã
Khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định:
“1. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.”
Trong đó, ngân hàng gồm các loại hình được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 như sau:
“2. Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.”
Như vậy, ngân hàng hợp tác xã là một loại hình tổ chức của ngân hàng, đồng thời được xem là một tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Khoản 7 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định về ngân hàng hợp tác xã:
“7. Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân.”
Theo đó, quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn có quyền thành lập ngân hàng hợp tác xã theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản khác có liên quan nhằm thực hiện các hoạt động ngân hàng trong phạm vi cho phép.
Điều kiện ngân hàng hợp tác xã được cấp giấy phép là gì?
Điều kiện chung được quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 như sau:
- Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định;
- Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.
Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng Nhà nước quy định;
- Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật này;
- Có Điều lệ phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, các điều kiện cụ thể đối với ngân hàng hợp tác xã được quy định tại khoản 5 Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, được hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư 31/2012/TT-NHNN, trong đó khoản 6 Điều 8 Thông tư 31/2012/TT-NHNN bị bãi bỏ bởi Điều 5 Thông tư 17/2018/TT-NHNN, cụ thể như sau:
(1) Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đề nghị thành lập.
(2) Các thành viên là quỹ tín dụng nhân dân và pháp nhân khác phải đáp ứng quy định tại Điều 34 Thông tư 31/2012/TT-NHNN.
(3) Người quản lý, điều hành và thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các Điều 23, 24 và 25 Thông tư 31/2012/TT-NHNN.
(4) Có Điều lệ phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
(5) Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 (ba) năm đầu hoạt động.
Ngân hàng hợp tác xã cần đảm bảo tất cả những điều kiện nêu trên mới có thể được cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị cấp phép được quy định như thế nào?
Điều 9 Thông tư 31/2012/TT-NHNN quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp phép đối với ngân hàng hợp tác xã như sau:
(1) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép do Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng hợp tác xã dự kiến thành lập ký (Phụ lục số 03 Thông tư này).
(2) Điều lệ ngân hàng hợp tác xã.
(3) Đề án thành lập ngân hàng hợp tác xã, trong đó nêu rõ:
a. Sự cần thiết thành lập ngân hàng hợp tác xã;
b. Tên ngân hàng hợp tác xã, địa điểm đặt trụ sở chính, thời hạn hoạt động, vốn điều lệ khi thành lập, nội dung hoạt động phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư này.
c. Cơ cấu vốn góp của các thành viên, trong đó nêu rõ các thành viên góp vốn từ 05% vốn điều lệ trở lên;
d. Cơ cấu tổ chức, nhân sự dự kiến:
- Sơ đồ tổ chức nhân sự;
- Bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành, bao gồm:
+ Hội đồng quản trị: Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị;
+ Ban kiểm soát: Trưởng ban, thành viên Ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát, chuyên trách;
+ Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ ngân hàng hợp tác xã;
đ. Năng lực quản lý rủi ro: Các loại rủi ro dự kiến phát sinh trong quá trình hoạt động (rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản...) và biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các loại rủi ro này;
e. Công nghệ thông tin:
- Dự kiến đầu tư tài chính cho công nghệ thông tin;
- Khả năng, áp dụng công nghệ thông tin, trong đó nêu rõ: thời gian thực hiện đầu tư công nghệ; loại hình công nghệ dự kiến áp dụng; cán bộ dự kiến và khả năng của cán bộ trong việc áp dụng công nghệ thông tin; bảo đảm hệ thống thông tin có thể tích hợp và kết nối với hệ thống quản lý của Ngân hàng Nhà nước để cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý của Ngân hàng Nhà nước;
g. Chiến lược phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động, việc cung cấp và phát triển các dịch vụ ngân hàng (phân tích rõ các dịch vụ dự kiến sẽ cung cấp, loại khách hàng...);
h. Hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ:
- Nguyên tắc hoạt động của hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ;
- Các quy định nội bộ theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Luật các tổ chức tín dụng, gồm:
+ Quy định về cấp tín dụng, quản lý tiền vay để bảo đảm việc sử dụng vốn vay đúng mục đích;
+ Quy định về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro;
+ Quy định về đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;
+ Quy định về quản lý thanh khoản, trong đó có các thủ tục và các giới hạn quản lý thanh khoản;
+ Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và cơ chế kiểm toán nội bộ phù hợp với tính chất và quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng;
+ Quy định về hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ;
+ Quy định về quản trị rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng;
+ Quy định về quy trình, thủ tục, bao gồm cả nguyên tắc nhận biết khách hàng để bảo đảm ngăn ngừa việc tổ chức tín dụng bị lạm dụng cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác;
+ Quy định về phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp.
i. Phương án kinh doanh dự kiến trong 03 năm đầu, tối thiểu phải bao gồm: Dự kiến kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động và thuyết minh khả năng thực hiện phương án trong từng năm.
(4) Hồ sơ của những người dự kiến tham gia quản lý, kiểm soát và điều hành:
a. Danh sách nhân sự dự kiến tham gia quản lý, kiểm soát và điều hành;
b. Sơ yếu lý lịch (Phụ lục số 01 Thông tư này), lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật;
c. Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác;
d. Báo cáo công khai lợi ích liên quan theo quy định tại Điều 118 Luật Doanh nghiệp;
e. Bản sao các văn bằng chứng minh trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
(5) Hồ sơ của thành viên:
a. Danh sách các thành viên tham gia góp vốn vào ngân hàng hợp tác xã, trong đó có các nội dung chủ yếu sau:
- Tên và địa điểm đặt trụ sở chính; Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; số vốn góp, tỷ lệ vốn góp, thời hạn góp vốn;
- Họ và tên; địa chỉ thường trú; quốc tịch; số, ngày cấp, nơi cấp Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cá nhân là người đại diện vốn góp;
b. Đơn đề nghị tham gia thành viên ngân hàng hợp tác xã;
c. Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc văn bản tương đương (đối với pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng);
d. Văn bản của cấp có thẩm quyền chấp thuận cho tổ chức (trừ các quỹ tín dụng nhân dân) được góp vốn thành lập ngân hàng hợp tác xã (nếu có);
đ. Điều lệ (đối với pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng)
e. Văn bản ủy quyền người đại diện pháp nhân (bao gồm cả đại diện phần vốn góp) tham gia là thành viên tại ngân hàng hợp tác xã theo quy định của pháp luật;
g. Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp của người được ủy quyền đại diện hợp pháp của pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng góp vốn tại ngân hàng hợp tác xã;
h. Bản kê khai người có liên quan của thành viên không phải là quỹ tín dụng nhân dân (Phụ lục số 02 Thông tư này);
i. Báo cáo tài chính năm liền kế năm đề nghị thành lập ngân hàng hợp tác xã và Báo cáo tài chính đến thời điểm gần nhất nhưng không quá 90 ngày trở về trước tính từ thời điểm có văn bản đề nghị tham gia góp vốn (đối với pháp nhân không phải tổ chức tín dụng);
k. Bản kê khai nêu rõ về vốn góp, số cổ phần nắm giữ, tỷ lệ cổ phần của từng thành viên tại tổ chức tín dụng khác.
(6) Văn bản xác nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đặt trụ sở chính.
(7) Nghị quyết Đại hội thành viên đầu tiên về việc thành lập ngân hàng hợp tác xã.
(8) Nghị quyết của Đại hội thành viên đầu tiên về việc bầu chức danh Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát.
(9) Quyết định của Hội đồng quản trị về việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc ngân hàng hợp tác xã.
Như vậy, ngân hàng hợp tác xã là một tổ chức tín dụng với vai trò chính là liên kết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Do đó, để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, ngân hàng hợp tác xã cần đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện đã nêu và chuẩn bị đủ hồ sơ để thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.