Nếu hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu gửi bằng đường bưu điện, ngày tiếp nhận hồ sơ được tính thế nào?
Nếu hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu gửi bằng đường bưu điện, ngày tiếp nhận hồ sơ được tính thế nào?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định như sau:
Hồ sơ và hình thức đăng ký
1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bao gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đăng ký nêu rõ địa chỉ, ngành nghề kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Bộ Công Thương hướng dẫn mẫu đơn đăng ký;
b) Dự thảo hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
2. Hồ sơ đăng ký có thể gửi trực tiếp, gửi bằng bưu điện hoặc gửi bằng phương tiện điện tử với số lượng một (01) bộ cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định này.
3. Trường hợp hồ sơ đăng ký được gửi trực tiếp, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải lập biên bản tiếp nhận, ngày tiếp nhận hồ sơ là ngày ghi trong biên bản tiếp nhận đó. Trong trường hợp hồ sơ đăng ký gửi bằng đường bưu điện, ngày tiếp nhận hồ sơ được tính theo dấu của bưu điện. Trường hợp hồ sơ gửi bằng phương tiện điện tử, thời điểm tiếp nhận hồ sơ được tính từ thời điểm xác nhận bằng thông điệp điện tử của cơ quan có thẩm quyền đăng ký được gửi đi.
Chiếu theo quy định này, nếu hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu gửi bằng đường bưu điện, ngày tiếp nhận hồ sơ được tính theo dấu của bưu điện.
Hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu gửi bằng đường bưu điện (hình từ Internet)
Khi xem xét hồ sơ đăng ký, cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu giải trình các vấn đề liên quan đến nội dung hợp đồng không?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định như sau:
Xem xét hồ sơ đăng ký
1. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký tiến hành xem xét hồ sơ đăng ký kể từ thời điểm nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 10 và 11 Nghị định này.
2. Trong quá trình xem xét hồ sơ đăng ký, cơ quan có thẩm quyền đăng ký có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh giải trình các vấn đề liên quan đến nội dung hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung.
3. Trong quá trình xem xét hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung cơ quan có thẩm quyền đăng ký có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, khi xem xét hồ sơ đăng ký, cơ quan nhà nước được quyền yêu cầu tổ chức kinh doanh giải trình các vấn đề liên quan đến nội dung hợp đồng nếu xét thấy cần thiết.
Nội dung hợp đồng theo mẫu không có hiệu lực trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định như sau:
Phạm vi xem xét nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định này xem xét hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các nội dung sau:
1. Nội dung không có hiệu lực quy định tại Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Các quy định tại Điều 7 Nghị định này.
3. Sự phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng.
Theo đó, nội dung hợp đồng theo mẫu không có hiệu lực trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, cụ thể bao gồm các trường hợp sau:
- Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật;
- Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng đã thỏa thuận trước với người tiêu dùng hoặc quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ giải thích hợp đồng trong trường hợp điều khoản của hợp đồng được hiểu khác nhau;
- Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thông qua bên thứ ba;
- Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình;
- Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.