Nền quốc phòng toàn dân là gì? Hoạt động xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nghĩa vụ của những ai?
Nền quốc phòng toàn dân là gì?
Theo khoản 1 Điều 7 Luật Quốc phòng 2018 thì nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.
Việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân có gồm nội dung về đối ngoại quốc phòng không?
Nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân được quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Quốc phòng 2018 như sau:
Nền quốc phòng toàn dân
...
2. Nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm:
a) Xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, kế hoạch phòng thủ đất nước; nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị vững mạnh;
b) Xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc;
c) Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ của Nhà nước và Nhân dân phục vụ quốc phòng; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ quân sự phù hợp để xây dựng đất nước;
d) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm động viên quốc phòng;
đ) Xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện, hợp thành phòng thủ đất nước; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ở các vùng chiến lược, trọng điểm, biển, đảo, khu vực biên giới, địa bàn xung yếu; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong phạm vi cả nước;
e) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;
g) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước;
h) Đối ngoại quốc phòng;
i) Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại;
k) Xây dựng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân của người phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân;
l) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh.
Theo quy định trên, đối ngoại quốc phòng là một trong những nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Nền quốc phòng toàn dân (Hình từ Internet)
Hoạt động xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nghĩa vụ của những ai?
Người có nghĩa vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân được quy định tại Điều 5 Luật Quốc phòng 2018 như sau:
Quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng
1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.
2. Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; chấp hành biện pháp của Nhà nước và người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Công dân được tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; giáo dục quốc phòng và an ninh; trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật.
4. Công dân phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc được huy động làm nhiệm vụ quốc phòng thì bản thân và thân nhân được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
5. Công dân bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Theo quy định trên, xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nghĩa vụ của công dân.
Cơ quan nào có nhiệm vụ hướng dẫn Bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân?
Việc hướng dẫn Bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ của cơ quan quy định tại Điều 35 Luật Quốc phòng 2018 như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng
Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Tham mưu, giúp việc Hội đồng Quốc phòng và An ninh;
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương lập, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án về quốc phòng, trình cấp có thẩm quyền quyết định;
4. Xây dựng, quản lý, chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng;
5. Chỉ đạo, hướng dẫn Bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ và công tác quốc phòng.
Như vậy, Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn Bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.