Mức xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại chưa được công bố thông tin sản phẩm là bao nhiêu?
- Cơ sở sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại phải công bố thông tin sản phẩm ở đâu?
- Mức xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại chưa được công bố thông tin sản phẩm là bao nhiêu?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt đối với hành vi sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại chưa được công bố thông tin sản phẩm không?
Cơ sở sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại phải công bố thông tin sản phẩm ở đâu?
Theo khoản 4 Điều 32 Luật Chăn nuôi 2018 quy định như sau:
Yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường
..
4. Công bố thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
...
Theo quy định nêu trên thì cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại phải công bố thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại chưa được công bố thông tin sản phẩm là bao nhiêu?
Theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi như sau:
Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có dây chuyền, trang thiết bị phù hợp để sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định;
b) Không có biện pháp kiểm soát động vật gây hại, tạp chất, chất thải gây nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng thức ăn chăn nuôi;
c) Không có trang thiết bị, dụng cụ đo lường được kiểm định, hiệu chỉnh theo quy định;
d) Không thực hiện phân tích chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong quá trình sản xuất;
đ) Không có người phụ trách kỹ thuật hoặc người phụ trách kỹ thuật có trình độ chuyên môn không phù hợp;
e) Không có giải pháp thu gom và xử lý chất thải để tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm;
g) Không thiết kế khu sản xuất, bố trí thiết bị theo quy tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, bảo đảm tách biệt giữa các khu sản xuất để tránh nhiễm chéo; trừ trường hợp nguyên liệu, thành phẩm đã được bao gói kín hoặc các khu sản xuất được bố trí riêng biệt;
h) Không có biện pháp bảo quản nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thay đổi thông tin về tổ chức, cá nhân trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng không làm thủ tục để được cấp lại theo quy định;
b) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không có biện pháp kiểm soát bảo đảm không phát tán, gây nhiễm chéo giữa các loại kháng sinh khác nhau, giữa thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh và thức ăn chăn nuôi không chứa kháng sinh.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
...
Theo quy định nêu trên thì mức xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại chưa được công bố thông tin sản phẩm (Hình từ Internet)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt đối với hành vi sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại chưa được công bố thông tin sản phẩm không?
Theo điểm c khoản 1 Điều 44 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Thanh tra, cơ quan Hải quan, cơ quan Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp:
...
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 6; Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 12; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 18; Điều 19; Điều 20; Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 25; Điều 26; Điều 27; Điều 28; Điều 29; Điều 30; Điều 31; Điều 32; Điều 33; Điều 34 và Điều 35 Nghị định này.
...
Theo điểm a khoản 3 Điều 37 Nghị định 14/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm c khoản 6 Điều 4 Nghị định 07/2022/NĐ-CP) quy định thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng có thời hạn Chứng chỉ đào tạo về thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật cấy truyền phôi giống vật nuôi do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;
c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Lưu ý: Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.