Mục tiêu của giáo dục thường xuyên là gì? Chương trình này có thực hiện theo hình thức vừa làm vừa học?
Mục tiêu của giáo dục thường xuyên là gì?
Tại Điều 5 Luật Giáo dục 2019 quy định giáo dục thường xuyên là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học.
Theo đó, mục tiêu của giáo dục thường xuyên được quy định tại Điều 41 Luật Giáo dục 2019, cụ thể như sau:
Giáo dục thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học tập suốt đời nhằm phát huy năng lực cá nhân, hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Lưu ý: Nhiệm vụ của giáo dục thường xuyên được quy định tại Điều 42 Luật Giáo dục 2019, cụ thể như sau:
(1) Thực hiện xóa mù chữ cho người trong độ tuổi theo quy định của pháp luật.
(2) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc; cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho mọi người; tạo cơ hội cho người có nhu cầu học tập nâng cao trình độ học vấn.
Mục tiêu của giáo dục thường xuyên là gì? Chương trình này có thực hiện theo hình thức vừa làm vừa học? (Hình từ Internet)
Chương trình giáo dục thường xuyên có được thực hiện theo hình thức vừa làm vừa học không?
Căn cứ quy định tại Điều 43 Luật Giáo dục 2019 như sau:
Chương trình, hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục thường xuyên
1. Chương trình giáo dục thường xuyên bao gồm:
a) Chương trình xóa mù chữ;
b) Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ;
c) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp;
d) Chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Hình thức thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên bao gồm:
a) Vừa làm vừa học;
b) Học từ xa;
c) Tự học, tự học có hướng dẫn;
d) Hình thức học khác theo nhu cầu của người học.
3. Nội dung chương trình giáo dục thường xuyên quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này phải bảo đảm tính thiết thực, giúp người học nâng cao khả năng lao động, sản xuất, công tác và chất lượng cuộc sống.
Nội dung chương trình giáo dục thường xuyên quy định tại điểm d khoản 1 Điều này nhằm đạt một trình độ trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt Nam, phải bảo đảm yêu cầu về nội dung của chương trình giáo dục cùng cấp học, trình độ đào tạo quy định tại Điều 31 của Luật này, quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học.
4. Phương pháp giáo dục thường xuyên phải phát huy tính chủ động của người học, coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học; sử dụng phương tiện và công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học.
5. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định chi tiết về chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu giáo dục thường xuyên.
Theo đó, hình thức thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên bao gồm:
- Vừa làm vừa học;
- Học từ xa;
- Tự học, tự học có hướng dẫn;
- Hình thức học khác theo nhu cầu của người học.
Như vậy, hình thức vừa làm vừa học là một trong các hình thức thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên theo quy định pháp luật.
Cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm những cơ sở nào?
Căn cứ quy định tại Điều 44 Luật Giáo dục 2019, cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm những cơ sở sau đây:
(1) Trung tâm giáo dục thường xuyên;
(2) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên;
(3) Trung tâm học tập cộng đồng;
(4) Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.
Lưu ý:
- Giáo dục thường xuyên được thực hiện tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư, qua phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện khác.
- Việc thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên của cơ sở giáo dục thường xuyên được quy định như sau:
+ Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Giáo dục 2019, trừ chương trình giáo dục để lấy bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân;
+ Trung tâm học tập cộng đồng thực hiện chương trình quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 Luật Giáo dục 2019;
+ Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật Giáo dục 2019.
- Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên phải bảo đảm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của mình, chỉ thực hiện chương trình quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật Giáo dục 2019 khi được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có thẩm quyền cho phép.
- Việc liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.