Mức phạt tù cao nhất đối với tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là bao nhiêu năm?
- Mức phạt tù cao nhất của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là mấy năm?
- Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị truy cứu TNHS 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đúng không?
- Trường hợp người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì trình báo tại cơ quan nào?
Mức phạt tù cao nhất của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là mấy năm?
Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
- Người nào sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
+ Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, người nào phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của của cơ quan tổ chức tùy theo tính chất và mức độ phạm tội mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị truy cứu mức cao nhất là 07 năm tù, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng.
Mức phạt tù cao nhất của tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức là mấy năm? (Hình từ Internet)
Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị truy cứu TNHS 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đúng không?
Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 10 Mục I Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019 hướng dẫn về việc xác định tội phạm đối với hành vi làm giả giấy tờ như sau:
I. Về hình sự
...
10. Người thực hiện hành vi làm giả các giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức?
Hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 02 khách thể khác nhau được Bộ luật Hình sự bảo vệ (quy định tại Điều 174 và Điều 341 của Bộ luật Hình sự), nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự cả về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341).
Theo đó, do hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm phạm cùng lúc đối với cả 02 khách thể khác nhau.
Như vậy, khi xử lý cần xem xét hành vi nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội phạm là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Trường hợp người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì trình báo tại cơ quan nào?
Theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:
Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Căn cứ khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
...
2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu
...
Đồng thời, tại Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC có quy định về trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm như sau:
Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
1. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:
a) Cơ quan điều tra;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
c) Viện kiểm sát các cấp;
d) Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
...
Căn cứ khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền điều tra như sau:
Thẩm quyền điều tra
...
4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
...
Như vậy, theo các quy định nêu trên, khi nhận thấy mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân có thể làm đơn tố giác đến các cơ quan điều tra nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) cấp quận, huyện, thị xã, viện kiểm sát các cấp; Tòa án hoặc các cơ quan khác tại nơi phát hiện tội phạm, xảy ra tội phạm hoặc nơi cư trú của người có hành vi phạm tội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.