Mức phạt nồng độ cồn xe máy dưới 0,35 miligam/ 1 lít khí thở là bao nhiêu? Vi phạm nồng độ cồn dưới 0,35 tước bằng bao lâu?
Mức phạt nồng độ cồn xe máy dưới 0,35 miligam/ 1 lít khí thở là bao nhiêu?
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 thì độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được tính bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100 ml dung dịch ở 20 °C.
Và theo khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 thì hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị nghiêm cấm, nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt nồng độ cồn xe máy dưới 0,35 miligam/1 lít khí thở, cụ thể như sau:
(1) Điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
-> Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Theo điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Theo điểm đ khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
(2) Điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,35 miligam/1 lít khí thở.
-> Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. (Theo điểm c khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng. (Theo điểm e khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với ô tô hiện nay là bao nhiêu?
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với ô tô hiện nay theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP cụ thể:
(1) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
(Theo điểm c khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
(2) Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
(Theo điểm c khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
(3) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
(Theo điểm a khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Mức phạt nồng độ cồn xe máy dưới 0,35 miligam/ 1 lít khí thở là bao nhiêu? Vi phạm nồng độ cồn dưới 0,35 tước bằng bao lâu? (Hình từ Internet)
Tổ tuần tra giao thông có bao nhiêu Cảnh sát giao thông thì được kiểm tra nồng độ cồn?
Theo quy định pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về số lượng Cảnh sát giao thông tại các tổ tuần tra giao thông nói chung và các tổ tuần tuần tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn nói riêng.
Và theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA thì tổ tuần tra Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm tra nồng độ cồn trong các trường hợp sau:
(1) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
(2) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
(3) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
(4) Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, tổ tuần tra Cảnh sát giao thông có thể yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong các trường hợp trên và không phụ thuộc vào số lượng Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.