Mức nồng độ cồn tối thiểu và mức nồng độ cồn tối đa khi lái xe là bao nhiêu? Vi phạm nồng độ cồn cố tình không nộp phạt có phải đóng lãi?
Mức nồng độ cồn tối thiểu và mức nồng độ cồn tối đa khi lái xe là bao nhiêu?
Theo Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.
2. Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.
3. Cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học là ethanol đã được loại bỏ tạp chất, đạt yêu cầu dùng trong thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có khả năng gây nghiện và gây ngộ độc cấp tính.
4. Độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được tính bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100 ml dung dịch ở 20 °C.
...
Theo đó, rượu bia là những đồ uống có cồn. Và độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Nồng độ cồn được tính bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100 ml dung dịch ở 20 °C.
Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể về các nội dung liên quan đến mức nồng độ cồn tối thiểu và mức nồng độ cồn tối đa khi lái xe là bao nhiêu. Tuy nhiên, nhiều người tham gia giao thông thường thắc mắc về vấn đề này.
Theo cách hiểu thông thường của người tham gia giao thông thì mức nồng độ cồn tối thiểu khi lái xe là mức nồng độ cồn mà người lái xe không bị phạt. Đồng thời, mức nồng độ cồn tối đa khi lái xe được hiểu là mức nồng độ cồn mà người lái xe phải chịu mức phạt tiền cao nhất theo quy định khi bị xử lý vi phạm nồng độ cồn.
(Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo)
Và theo quy định hiện hành tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
...
Theo đó, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị nghiêm cấm.
Như vậy, theo quy định thì không có mức nồng độ cồn tối thiểu hay tối đa mà chỉ cần trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì nghiêm cấm không được lái xe tham gia giao thông.
Mức nồng độ cồn tối thiểu và mức nồng độ cồn tối đa khi lái xe là bao nhiêu? Vi phạm nồng độ cồn cố tình không nộp phạt có phải đóng lãi? (Hình từ Internet)
Mức nồng độ cồn cao nhất đối với người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm là bao nhiêu?
Mức nồng độ cồn cao nhất đối với người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm được hiểu là mức nồng độ cồn tương ứng với mức phạt tiền cao nhất đối với người vi phạm được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể:
Mức nồng độ cồn cao nhất đối với xe máy:
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
(Theo điểm e khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Mức nồng độ cồn cao nhất đối với ô tô:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
(Theo điểm a khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Người vi phạm nồng độ cồn cố tình không nộp phạt khi đã có quyết định xử phạt có phải đóng lãi chậm nộp không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC như sau:
Thủ tục thu tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính
1. Quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.
...
Như vậy, nếu người vi phạm nồng độ cồn cố tình không nộp phạt khi có quyết định xử phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt sẽ nộp 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.