Mức độ giảm nhẹ hình phạt khi người phạm tội ăn năn hối lỗi phụ thuộc vào những yếu tố nào theo quy định?
Ăn năn hối lỗi là gì? Người phạm tội vừa thành khẩn khai báo vừa ăn năn hối lỗi thì có được coi là 02 tình tiết giảm nhẹ không?
Ăn năn hối lỗi là gì?
Ăn năn hối cải (hay thường được gọi là ăn năn hối lỗi) được định nghĩa tại Sổ tay Thẩm phán 2023 là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, dày vò lương tâm về tội lỗi của mình không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng những hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Ngoài ra, thành khẩn khai báo là trường hợp người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã khai đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.
Người phạm tội vừa thành khẩn khai báo vừa ăn năn hối lỗi thì có được coi là 02 tình tiết giảm nhẹ không?
Theo Công văn 174/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 31/8/2023 gửi các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp về việc áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cụ thể như sau:
Tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra; tình tiết “thành khẩn khai báo”, “ăn năn hối cải” không phải là hai tình tiết độc lập. Do đó, nếu người phạm tội “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thì chỉ được coi là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, đối với tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì tình tiết “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải" không phải là 02 tình tiết độc lập mà chỉ được coi là cùng một tình tiết giảm nhẹ.
Ăn năn hối lỗi là gì? (Hình từ Internet)
Mức độ giảm nhẹ hình phạt khi người phạm tội có tình tiết ăn năn hối lỗi phụ thuộc vào những yếu tố nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 về căn cứ quyết định hình phạt cụ thể như sau:
Căn cứ quyết định hình phạt
1. Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
2. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.
Đồng thời, theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
…
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
Như vậy, có thể thấy rằng “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để Tòa án cân nhắc và quyết định hình phạt theo quy định.
Mức độ giảm nhẹ của sự ăn năn hối lỗi theo quy định tại Sổ tay Thẩm phán 2023 phụ thuộc vào mức độ ăn năn hối lỗi của người phạm tội, những hành động, việc làm cụ thể chứng minh cho sự ăn năn hối lỗi đó.
Tội phạm là hành vi như thế nào theo quy định?
Tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
- Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự,
- Do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý,
- Hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Lưu ý: Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.