Mục đích của phụ lục hợp đồng lao động là gì? Phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi điều, khoản của hợp đồng chính phải ghi rõ những gì?
Mục đích của phụ lục hợp đồng lao động là gì? Phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi điều, khoản của hợp đồng chính thì phải ghi rõ những gì?
Căn cứ Điều 22 Bộ luật Lao động 2019 quy định về phụ lục hợp đồng như sau:
Phụ lục hợp đồng lao động
1. Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
2. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
Như vậy, mục đích của phụ lục hợp đồng lao động là để quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, phụ lục hợp đồng lao động không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Cũng theo quy định nêu trên, trong trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi điều, khoản của hợp đồng chính thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi và thời điểm có hiệu lực.
Mục đích của phụ lục hợp đồng lao động là gì? Phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi điều, khoản của hợp đồng chính phải ghi rõ những gì? (Hình từ Internet)
Tải về mẫu phụ lục hợp đồng lao động? Cách viết phụ lục hợp đồng lao động?
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản có liên quan không quy định mẫu phụ lục hợp đồng lao động là mẫu nào, theo đó, các công ty, doanh nghiệp có thể tự soạn phụ lục hợp đồng lao động dựa trên các nội dung quy định trong hợp đồng lao động nhưng cần đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
Tham khảo mẫu phụ lục hợp đồng lao động sau đây:
TẢI VỀ Mẫu phụ lục hợp đồng lao động
Hướng dẫn cách viết phụ lục hợp đồng lao động:
(1) Phụ lục hợp đồng lao động này phát sinh khi có sự thay đổi về nội dung điều khoản của hợp đồng lao động chính thức. Chính vì vậy, phải ghi chính xác số hợp đồng và thời gian ký kết hợp đồng trước đó.
(2) Nội dung thay đổi:
- Ghi rõ thay đổi điều khoản nào của hợp đồng, nội dung thay đổi, thay đổi như thế nào.
- Ví dụ:
+ Thay đổi công việc (chuyển từ nhân viên tạp vụ sang nhân viên hành chính, từ thủ quỹ sang kế toán,…)
+ Tăng lương (do thay đổi mức lương cơ sở/lương tối thiểu vùng);
+ Bổ sung phụ cấp, trợ cấp;
…
(3) Thời gian thực hiện:
Ghi rõ nội dung thay đổi nêu trên sẽ có hiệu lực từ thời điểm nào? Trong bao lâu (nếu có).
(Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo)
Lưu ý:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì trong trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân có hành vi sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động thì bị phạt tiền theo một trong các mức sau đây:
- Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Trong trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức có hành vi sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động thì mức phạt tiền gấp đôi mức phạt tiền của cá nhân.
Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được quy định như thế nào?
Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được quy định tại Điều 33 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
-Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
- Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
- Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Lưu ý: Theo Điều 23 Bộ luật Lao động 2019, hiệu lực của hợp đồng lao động được quy định như sau:
Hợp đồng lao động có hiệu lực kể từ ngày hai bên giao kết, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.