Mức đền bù đối với cây trồng hàng năm khi thu hồi đất được tính như thế nào theo quy định pháp luật?
Mức đền bù đối với cây trồng hàng năm khi thu hồi đất được tính như thế nào theo quy định pháp luật?
>> Mới nhất Tải Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành
Căn cứ khoản 1 Điều 90 Luật Đất đai 2013 quy định khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì mức đền bù cây trồng được xác định như sau:
Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi
1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;
b) Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;
c) Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;
d) Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên, khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì mức đền bù cây trồng hàng năm được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch.
Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất.
Mức đền bù đối với cây trồng hàng năm khi thu hồi đất được tính như thế nào theo quy định pháp luật? (Hình từ Internet).
Cây được trồng sau khi có thông báo thu hồi đất thì có được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất không?
Theo Điều 88 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất
1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.
2. Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.
Đồng thời, căn cứ Điều 92 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất
1. Tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, i khoản 1 Điều 64 và điểm b, d khoản 1 Điều 65 của Luật này.
2. Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác không còn sử dụng.
Theo quy định thì khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.
Tuy nhiên, trường hợp tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được bồi thường tài sản gắn liền với đất.
Do đó, nếu như cây được trồng sau khi có thông báo thu hồi đất thì không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Khi nào Nhà nước quyết định thu hồi đất?
Căn cứ theo Điều 16 Luật Đất đai 2013 có quy định về các trường hợp Nhà nước tiến hành thu hồi đất như sau:
Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất
1. Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
2. Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Như vậy, theo quy định nêu trên, có 03 trường hợp nhà nước sẽ quyết định thu hồi đất bao gồm:
(1) Vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
(2) Vi phạm pháp luật về đất đai;
(3) Do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.