Mức cấp dưỡng được xác định như thế nào sau ly hôn? Tiền cấp dưỡng không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi con thì có được quyền tăng yêu cầu cấp dưỡng không?
Điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng con sau ly hôn?
Căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về cấp dưỡng như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
24. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.”
Căn cứ khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan."
Theo khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
...
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”
Theo khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
“Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác."
Và theo Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con như sau:
“Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con."
Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng con phát sinh khi có các điều kiện như: quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng; không cùng sống chung với con hoặc vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng; con chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; người gặp khó khăn, túng thiếu.
Mức cấp dưỡng được xác định như thế nào sau ly hôn?
Mức cấp dưỡng được xác định như thế nào sau ly hôn?
Căn cứ khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng như sau:
“Điều 116. Mức cấp dưỡng
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết."
Theo Mục 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn thì tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.
Như vậy, mức cấp dưỡng được xác định dựa trên mức thu nhập, khả năng thực tế của người trợ cấp cũng như chi phí cho từng độ tuổi của người con được trợ cấp.
Có được tăng tiền cấp dưỡng sau ly hôn không? Yêu cầu tăng cấp dưỡng như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng thì khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp thỏa thuận không thành công, người đang trực tiếp nuôi con có quyền nộp đơn lên Tòa án theo quy định như sau:
Căn cứ khoản 5 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì tranh chấp về cấp dưỡng thuộc một trong những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Theo khoản a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện thì tranh chấp về cấp dưỡng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp huyện.
Như vậy, bạn và chồng cũ đã thỏa thuận được nghĩa vụ cấp dưỡng nên khi bạn muốn tăng thêm tiền cấp dưỡng thì bạn cần phải thỏa thuận với chồng cũ về việc tăng thêm theo nhu cầu và khả năng của cả hai bên. Nếu chồng bạn không đồng ý thì bạn có quyền nộp đơn lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết việc tăng mức cấp dưỡng cho con.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.