Mức bố trí dự phòng ngân sách nhà nước cấp tỉnh có thể là 7% không? Mục đích và thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách được quy định như thế nào?

Mức bố trí dự phòng ngân sách cấp tỉnh có thể là 7% không? Tôi đang sinh sống và làm việc ở tỉnh Bình Định. Tôi có nghe các cán bộ tỉnh nhắc đến vấn đề dự phòng ngân sách nhà nước. Tôi thắc mắc không biết mục đích sử dụng của dự phòng ngân sách nhà nước là gì? Thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách được quy định như thế nào? So với dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính được thành lập từ những nguồn gì và sử dụng trong trường hợp nào?

Dự phòng ngân sách nhà nước là gì?

Mức bố trí dự phòng ngân sách nhà nước

Mức bố trí dự phòng ngân sách nhà nước

Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015, "dự phòng ngân sách nhà nước là "một khoản mục trong dự toán chi ngân sách chưa phân bổ đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định ở từng cấp ngân sách"

Có thể hiểu, dự phòng ngân sách là một phần của ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Mức bố trí dự phòng ngân sách cấp tỉnh là 7% có được không?

Khoản 1 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước 2015 có quy định:

"1. Mức bố trí dự phòng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp."

Khoản này cũng được hướng dẫn bởi quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 163/2016/NĐ-CP như sau"

"1. Dự toán chi ngân sách trung ương và dự toán chi ngân sách các cấp chính quyền địa phương được bố trí khoản dự phòng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp."

Do đó, dự toán chi ngân sách cấp tỉnh, thuộc nhóm dự toán chi ngân sách các cấp chính quyền địa phương chỉ có thể được bố trí trong khoảng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách cấp tỉnh, không thể rơi vào mức 7%.

Mục đích của dự phòng ngân sách nhà nước?

Mục đích dự phòng ngân sách nhà nước được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước 2015 như sau:

- Chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán;

- Chi hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản này, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng cấp mình để thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu;

- Chi hỗ trợ các địa phương khác nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng.

Thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước?

Thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách được quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước 2015, hướng dẫn cụ thể bởi khoản 3, 4 và 5 Điều 7 Nghị định 163/2016/NĐ-CP như sau:

- Đối với các khoản chi trên 03 tỷ đồng đối với mỗi nhiệm vụ phát sinh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các khoản chi đầu tư phát triển và các khoản chi thuộc chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các khoản chi còn lại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định mức chi không quá 03 tỷ đồng đối với mỗi nhiệm vụ phát sinh, định kỳ hằng quý tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

- Căn cứ các chính sách, chế độ đã được cấp có thẩm quyền quyết định chi từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định chi, trừ các khoản chi quy định tại điểm a khoản này và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện;

- Hằng quý, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương tại điểm a và điểm b khoản này, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

- Trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách, khi phát sinh nhiệm vụ thuộc các nội dung chi của dự phòng ngân sách trung ương quy định tại khoản 2 Điều này, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải lập dự toán và thuyết minh chi tiết gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nhiệm vụ.

- Thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách các cấp ở địa phương thực hiện theo quy định: Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách cấp mình, định kỳ báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

So với dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính được thành lập từ những nguồn gì và sử dụng trong trường hợp nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật Ngân sách nhà nước 2015 hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, quỹ dự trữ tài chính được thành lập từ các nguồn:

- Bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm;

- Kết dư ngân sách theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật ngân sách nhà nước;

- Tăng thu ngân sách theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước;

- Lãi tiền gửi quỹ dự trữ tài chính;

- Các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp sử dụng quỹ dự trữ tài chính được quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Ngân sách nhà nước 2015 như sau:

- Cho ngân sách tạm ứng để đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán chi ngân sách khi nguồn thu chưa tập trung kịp và phải hoàn trả ngay trong năm ngân sách;

- Trường hợp thu ngân sách nhà nước hoặc vay để bù đắp bội chi không đạt mức dự toán được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định và thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng, với mức độ nghiêm trọng, nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn, được sử dụng quỹ dự trữ tài chính để đáp ứng các nhu cầu chi nhưng mức sử dụng trong năm tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ.

Như vậy, mức bố trí dự phòng ngân sách nhà nước là từ 2% đến 45 tổng chi ngân sách mỗi cấp. Mục đích, thẩm quyền quyết định việc sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản khác liên quan. Bên cạnh đó, cần phân biệt được sự khác nhau giữa dự phòng ngân sách nhà nước và Quỹ dự trữ tài chính về nguồn thành lập, mục đích sử dụng cũng như thẩm quyền quyết định.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

5,158 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào