Mua tài sản do người trộm cắp bán lại thì hoa lợi phát sinh sẽ thuộc về ai? Giao dịch mua tài sản của người trộm cắp bán lại có bị vô hiệu hay không?
Giao dịch mua tài sản của người trộm cắp bán lại có bị vô hiệu hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Giao dịch dân sự vô hiệu
Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy, đối với giao dịch mua tài sản của người trộm cắp tài sản bán lại thì người bán tài sản không phải là chủ sở hữu. Do đó, giao dịch mua tài sản từ người trộm cắp là giao dịch vô hiệu.
Mua tài sản do người trộm cắp bán lại thì hoa lợi phát sinh sẽ thuộc về ai? Giao dịch mua tài sản của người trộm cắp bán lại có bị vô hiệu hay không? (Hình từ Internet)
Mua tài sản do người trộm cắp bán lại thì hoa lợi phát sinh sẽ thuộc về ai?
Hậu quả giao dịch vô hiệu được quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Và theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
...
Đồng thời, theo Điều 167 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình như sau:
Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình
Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Theo các quy định trên thì trong trường hợp chủ sở hữu mất tài sản do bị trộm cắp và bán cho người thứ ba thì chủ sở hữu tài sản có quyền đòi lại tài sản.
Đồng thời, đối với bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó. Do đó, bên mua tài sản trộm cắp mà ngay tình không biết đó là tài sản trộm cắp thì sẽ không phải trả lại hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó.
Trường hợp bên mua tài sản không phải là bên ngay tình thì tài sản và hoa lợi phải được trả lại cho chủ sở hữu.
Trộm cắp tài sản chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
d) Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
đ) Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
...
Như vậy, người nào trộm cắp tài sản của người khác mà chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự khi phát hiện sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Mức phạt trên áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.