Một trong những người con có được hưởng toàn bộ di sản thừa kế nếu cha mẹ chết không để lại di chúc không?
Trường hợp không có di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia như thế nào?
Căn cứ Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật như sau:
Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Căn cứ Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:
Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Theo đó, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 650 nêu trên, trong đó có trường hợp không có di chúc.
Một trong những người con có được hưởng toàn bộ di sản thừa kế nếu cha mẹ chết không để lại di chúc không? (Hình từ Internet)
Một trong những người con có được hưởng toàn bộ di sản thừa kế nếu cha mẹ chết không để lại di chúc không?
Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
...
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Căn cứ Điều 59 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng văn bản từ chối nhận di sản như sau:
Công chứng văn bản từ chối nhận di sản
Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.
Căn cứ Điều 58 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng văn bản khai nhận di sản như sau:
Công chứng văn bản khai nhận di sản
1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật này.
Như vậy, những người thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau nên nếu muốn để lại tài sản cho mình bạn thì những người còn lại nên lập văn bản từ chối nhận di sản. Việc thực hiện công chứng văn bản từ chối nhận di sản được thực hiện theo quy định tại Điều 59 nêu trên.
Những người thừa kế đến UBND xã hoặc văn phòng công chứng để thực hiện thỏa thuận phân chia di sản. Nếu người có văn bản từ chối nhận di sản rồi thì có thể không đến.
Sau khi có văn bản thỏa thuận phân chia di sản/hoặc văn bản khai nhận di sản thì anh mang giấy tờ này đi làm thủ tục sang tên cho bản thân.
Trình tự, thủ tục đăng ký sang tên di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được quy định như thế nào?
Người thừa kế đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất tiến hành làm thủ tục, hồ sơ theo quy định tại Điều 63 Luật Công chứng 2014 gồm:
- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng.
- Văn bản khai nhận di sản có công chứng.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Giấy tờ khác như giấy tờ tùy thân, giấy chứng tử,...
Như vậy, để sang tên di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thì bạn cần đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và mang theo các hồ sơ nêu trên.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sau khi nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, làm trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có); chỉnh lý giấy chứng nhận đã cấp hoặc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp phải cấp mới giấy chứng nhận.
Sau khi bạn thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, văn phòng đăng ký nhà đất có trách nhiệm trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà cho bạn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.