Một tổ chức có được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho hai doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau không?
Một tổ chức có được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho hai doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau không?
Nguyên tắc hoạt động của đại lý bảo hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 127 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
Nguyên tắc hoạt động của đại lý bảo hiểm
...
2. Tổ chức không được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô mà tổ chức đó đang làm đại lý.
3. Cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm, nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm chỉ được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với những sản phẩm bảo hiểm đã được đào tạo.
4. Thông tin của cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm và nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải được đăng ký và cập nhật tại cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm quy định tại Điều 11 của Luật này.
5. Cá nhân đã được cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhưng không hoạt động đại lý bảo hiểm trong thời hạn 03 năm liên tục phải thực hiện thi lấy chứng chỉ đại lý bảo hiểm mới trước khi hoạt động đại lý.
Theo quy định trên thì tổ chức không được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô mà tổ chức đó đang làm đại lý.
Như vậy, một tổ chức có thể đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho hai doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau nếu như được doanh nghiệp bảo hiểm mà tổ chức đó đang làm đại lý chấp thuận bằng văn bản.
Một tổ chức có được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho hai doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau không? (Hình từ Internet)
Tổ chức là pháp nhân thương mại không được giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm trong trường hợp nào?
Tổ chức là pháp nhân thương mại được quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
Điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm
...
2. Tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
b) Đã đăng ký ngành, nghề kinh doanh hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Đối với các tổ chức hoạt động trong ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm;
c) Có nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
d) Điều kiện về nhân sự và điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.
3. Tổ chức, cá nhân không được giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức là pháp nhân thương mại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tổ chức đang bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, đang bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc đang bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bảo hiểm;
b) Cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành hình phạt cấm hành nghề liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.
Như vậy, theo quy định, tổ chức là pháp nhân thương mại không được giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm trong trường hợp:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Tổ chức đang bị đình chỉ hoạt động có thời hạn;
- Đang bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
- Đang bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bảo hiểm.
Hợp đồng đại lý bảo hiểm gồm những nội dung chủ yếu nào?
Theo quy định tại Điều 126 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì hợp đồng đại lý bảo hiểm phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
(1) Tên, địa chỉ của đại lý bảo hiểm;
(2) Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;
(3) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, đại lý bảo hiểm;
(4) Nội dung và phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm;
(5) Hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác (nếu có);
(6) Thời hạn hợp đồng;
(7) Phương thức giải quyết tranh chấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.