Mỗi tổ hòa giải có bao nhiêu hòa giải viên? Điều kiện để hòa giải viên ở cơ sở được hưởng thù lao theo vụ việc mà mình thực hiện?
- Mỗi tổ hòa giải có bao nhiêu hòa giải viên? Căn cứ vào đâu để quyết định số lượng hòa giải viên trong mỗi tổ hòa giải?
- Mỗi tổ hòa giải có trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện hòa giải ở cơ sở?
- Điều kiện để hòa giải viên ở cơ sở được hưởng thù lao theo vụ, việc mà mình thực hiện?
- Ai là người trực tiếp thanh toán thù lao cho hòa giải viên?
Mỗi tổ hòa giải có bao nhiêu hòa giải viên? Căn cứ vào đâu để quyết định số lượng hòa giải viên trong mỗi tổ hòa giải?
Căn cứ theo Điều 12 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về tổ hòa giải ở cơ sở như sau:
Tổ hòa giải
1. Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
3. Hằng năm, Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải và kiến nghị Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã kiện toàn tổ hòa giải.
Theo đó, mỗi tổ hòa giải sẽ có từ 03 hòa giải viên trở lên. Số lượng hòa giải viên cụ thể trong mỗi tổ hòa giải ở mỗi địa phương có thể sẽ khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Hòa giải viên ở cơ sở (Hình từ Internet)
Mỗi tổ hòa giải có trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện hòa giải ở cơ sở?
Theo Điều 13 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, tổ hòa giải ở cơ sở có những trách nhiệm sau đây:
- Tổ chức thực hiện hòa giải.
- Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải vụ, việc phức tạp.
- Phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân, Chi hội người cao tuổi, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Kiến nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã về hoạt động hòa giải ở cơ sở, các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Đề nghị khen thưởng tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải.
Điều kiện để hòa giải viên ở cơ sở được hưởng thù lao theo vụ, việc mà mình thực hiện?
Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 15/2014/NĐ-CP để hòa giải viên được hưởng thù lao theo vụ, việc thì cần đáp ứng những yêu cầu sau đây:
(1) Vụ, việc được tiến hành hòa giải và đã kết thúc do:
- Các bên đạt được thỏa thuận.
- Một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải.
- Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.
(2) Hòa giải viên không vi phạm các nghĩa vụ của mình, cụ thể hòa giải viên phải tuân thủ những yêu cầu sau:
- Thực hiện hòa giải khi có căn cứ theo quy định tại Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013;
- Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013;
- Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.
- Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.
- Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.
Ai là người trực tiếp thanh toán thù lao cho hòa giải viên?
Tại Điều 15 Nghị định 15/2014/NĐ-CP quy định về thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên cụ thể như sau:
Thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên
1. Tổ trưởng tổ hòa giải lập hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho hòa giải viên, bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán thù lao của hòa giải viên có ghi rõ họ, tên, địa chỉ của hòa giải viên; tên, địa chỉ tổ hòa giải; số tiền đề nghị thanh toán; nội dung thanh toán (có danh sách các vụ, việc trong trường hợp đề nghị thanh toán thù lao cho nhiều vụ, việc); chữ ký của hòa giải viên; chữ ký xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải và xuất trình Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để đối chiếu khi cần thiết.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định và trả thù lao cho hòa giải viên thông qua tổ hòa giải; trường hợp quyết định không thanh toán cho hòa giải viên thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Tổ hòa giải trả thù lao cho hòa giải viên theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được thù lao.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ là cơ quan xem xét, quyết định và trả thù lao cho hòa giải viên thông qua tổ hòa giải. Sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã thì tổ hòa giải sẽ là tổ chức thực hiện chi trả thù lao cho hòa giải viên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.