Mở cửa hàng buôn bán phân bón hóa học thì phải đáp ứng điều kiện gì? Buôn bán không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bị xử phạt như thế nào?
- Điều kiện buôn bán phân bón
- Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón
- Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón
- Trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón
- Buôn bán không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Điều kiện buôn bán phân bón
Điều 42 Luật Trồng trọt 2018 quy định điều kiện buôn bán phân bón như sau:
- Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; trường hợp buôn bán phân bón do mình sản xuất thì không phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
- Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bao gồm:
+ Có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng;
+ Có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định;
+ Người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón
Điều 13 Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón như sau:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 11 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận) phải đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ngay sau khi cấp Giấy chứng nhận.
Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón
Điều 15 Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón như sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 08 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
- Bản chụp văn bản chứng nhận đã được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên của người trực tiếp buôn bán phân bón theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt 2018.
Trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón
Điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 84/2019/NĐ-CP trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón như sau:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ, nếu hồ sơ đạt yêu cầu thực hiện kiểm tra điều kiện buôn bán phân bón tại tổ chức, cá nhân và lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 12 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Bước 3: Trường hợp tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón không đáp ứng điều kiện, phải thực hiện khắc phục, sau khi khắc phục có văn bản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra nội dung đã khắc phục. Trường hợp kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 11 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Cửa hàng buôn bán phân bón hóa học
Buôn bán không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Điều 7 Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định buôn bán phân bón không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bị xử phạt như sau:
"4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
...
7. Hình thức xử phạt bổ sung
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón hoặc đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm i, k khoản 6 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón hoặc đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm l, m khoản 6 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón hoặc đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, điểm n khoản 6 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
d) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón hoặc đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm o khoản 6 Điều này;
đ) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón hoặc đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón từ 12 tháng đến 15 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm p khoản 6 Điều này;
e) Đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón từ 03 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;
g) Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này."
Theo đó tại khỏan 4 Điều 7 Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón. Tuy nhiên, đây là mức phạt đối với cá nhân còn đối với tổ chức mức phạt sẽ nhân đôi (khoản 2 Điều 5 Nghị định 55/2019/NĐ-CP). Đồng thời, tại điểm e khoản 7 Điều 7 Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón từ 03 tháng đến 09 tháng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.