Mẫu thông báo về việc đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh của hợp tác xã mới nhất? Thủ tục đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh như thế nào?
Mẫu thông báo về việc đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh của hợp tác xã mới nhất?
Theo Phụ lục I-7 ban hành kèm theo Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT thì Mẫu thông báo về việc đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh của hợp tác xã được sử dụng theo mẫu dưới đây:
Tải Mẫu thông báo về việc đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh của hợp tác xã mới nhất tại đây: Tại
Đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh của hợp tác xã (Hình từ Internet)
Thủ tục đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh của hợp tác xã được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 193/2013/NĐ-CP và khoản 2 Điều 1 Nghị định 107/2017/NĐ-CP thì thủ tục đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh của hợp tác xã được thực hiện như sau:
Bước 01: Gửi thông báo thành lập địa điểm kinh doanh kèm theo hồ sơ đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh đến cơ quan đăng ký hợp tác xã.
Hợp tác xã thành lập địa điểm kinh doanh tiến hành đăng ký tại cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi đặt địa điểm kinh doanh. Cụ thể, theo tại Điều 3 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT là tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã đặt địa điểm kinh doanh.
* Nội dung thông báo thành lập địa điểm kinh doanh gồm có:
- Tên hợp tác xã, địa chỉ trụ sở chính, số giấy chứng nhận đăng ký, ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;
- Tên địa điểm kinh doanh dự định thành lập; tên phải kèm theo chữ “địa điểm kinh doanh” đối với đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh;
- Họ tên, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, quốc tịch, số giấy chứng minh nhân dân, số hộ chiếu hoặc chứng thực hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã;
- Địa chỉ địa điểm kinh doanh;
- Ngành nghề kinh doanh của địa điểm kinh doanh
- Họ tên, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, quốc tịch, số giấy chứng minh nhân dân, số hộ chiếu hoặc chứng thực hợp pháp khác của người đại diện địa điểm kinh doanh.
* Hồ sơ đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh của hợp tác xã được gửi kèm theo thông báo bao gồm:
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;
- Nghị quyết của đại hội thành viên về việc mở địa điểm kinh doanh của hợp tác xã;
- Quyết định bằng văn bản của hội đồng quản trị về việc cử người đại diện địa điểm kinh doanh; kèm theo bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
Bước 02: Cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của hợp tác xã
Nếu ngành, nghề, nội dung hoạt động địa điểm kinh doanh phù hợp với ngành, nghề hoạt động của hợp tác xã và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, đồng thời cập nhật vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của hợp tác xã được khắc dấu và có quyền sử dụng con dấu của mình.
Trường hợp hợp tác xã lập địa điểm kinh doanh tại huyện hoặc tỉnh, thành phố khác với nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh, hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã.
Trường hợp lập địa điểm kinh doanh ở nước ngoài thì hợp tác xã phải thực hiện theo quy định pháp luật của nước đó. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy chứng nhận mở địa điểm kinh doanh, hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính để cập nhật vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã.
Hợp tác xã có những nghĩa vụ như thế nào?
Theo Điều 9 Luật Hợp tác xã 2012 quy định hợp tác xã sẽ có những nghĩa vụ cụ thể như sau:
Nghĩa vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Thực hiện các quy định của điều lệ.
2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định của Luật này.
3. Hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký.
4. Thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã với thành viên, liên hiệp hợp tác xã với hợp tác xã thành viên.
5. Thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê.
6. Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
7. Quản lý, sử dụng đất và tài nguyên khác được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.
8. Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
9. Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho thành viên, hợp tác xã thành viên.
10. Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Chính phủ.
11. Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.