Mẫu thông báo tạm ngừng kinh doanh của hợp tác xã theo quy định mới nhất? Thời hạn tạm ngừng kinh doanh tối đa?
Mẫu thông báo tạm ngừng kinh doanh của hợp tác xã theo quy định mới nhất là mẫu nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 09/2024/TT-BKHĐT như sau:
Hệ thống biểu mẫu thực hiện thủ tục đăng ký tổ hợp tác, đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và nội dung thông tin về tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Danh mục biểu mẫu và cách ghi các mẫu giấy dùng chung cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Mẫu văn bản quy định cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện thủ tục đăng ký tổ hợp tác, đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm:
a) Biểu mẫu thực hiện thủ tục đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm các biểu mẫu từ Mẫu II-1 đến Mẫu II-12 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Biểu mẫu thực hiện thủ tục đăng ký tổ hợp tác bao gồm các biểu mẫu từ Mẫu III-1 đến Mẫu III-7 của Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
...
Như vậy, mẫu thông báo tạm ngừng kinh doanh của hợp tác xã theo quy định mới nhất là Mẫu II-8 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2024/TT-BKHĐT, mẫu có dạng như sau:
TẢI VỀ: Mẫu thông báo tạm ngừng kinh doanh của hợp tác xã mới nhất.
Thời hạn tối đa mà hợp tác xã được phép tạm ngừng kinh doanh là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Nghị định 92/2024/NĐ-CP về thông báo tạm ngừng kinh doanh của hợp tác xã như sau:
Thông báo tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trở lại đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
1. Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trở lại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gửi hồ sơ thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trở lại. Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì gửi hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá 12 tháng.
...
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì hợp tác xã được phép tạm ngừng kinh doanh trong thời hạn tối đa 12 tháng.
Nếu hợp tác xã muốn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời gian đã thông báo gửi hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh, thời gian tiếp tục tạm ngừng kinh doanh không được vượt quá thời hạn nêu trên (12 tháng).
Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 47 Nghị định 92/2024/NĐ-CP thì hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh của hợp tác xã bao gồm các giấy tờ sau:
- Thông báo tạm ngừng kinh doanh; TẢI VỀ
- Bản sao hoặc bản chính biên bản họp Đại hội thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh của hợp tác xã;
- Bản sao hoặc bản chính nghị quyết của Đại hội thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh của hợp tác xã.
Mẫu thông báo tạm ngừng kinh doanh của hợp tác xã theo quy định mới nhất? Thời hạn tạm ngừng kinh doanh tối đa? (Hình từ Internet)
Hợp tác xã có phải nộp thuế, bảo hiểm xã hội còn nợ trong thời gian tạm ngừng kinh doanh không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 96 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:
Tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc trước ngày tiếp tục kinh doanh trở lại.
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:
a) Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
b) Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định của pháp luật có liên quan;
c) Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một hoặc một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
3. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải nộp đủ thuế, bảo hiểm xã hội còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh thì hợp tác xã vẫn phải nộp đủ thuế, bảo hiểm xã hội còn nợ, đồng thời tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.