Mẫu hợp đồng thuê tài sản dành cho doanh nghiệp là mẫu nào? Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng thuê tài sản cho doanh nghiệp?
Hợp đồng thuê tài sản của doanh nghiệp là gì?
Theo Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng thuê tài sản như sau:
Hợp đồng thuê tài sản
Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, có thể hiểu, hợp đồng thuê tài sản của doanh nghiệp là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và bên cho thuê tài sản, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho doanh nghiệp để sử dụng trong một thời hạn và doanh nghiệp phải trả tiền thuê.
Hợp đồng thuê tài sản cho doanh nghiệp là gì? Mẫu hợp đồng thuê tài sản dành cho doanh nghiệp là mẫu nào? (hình từ internet)
Mẫu hợp đồng thuê tài sản dành cho doanh nghiệp là mẫu nào? Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng thuê tài sản dành cho doanh nghiệp?
Hiện tại pháp luật không có quy định cụ thể về mẫu hợp đồng thuê tài sản cho doanh nghiệp. Do đó, dựa trên quy định của Bộ luật Dân sự 2015, daonh nghiệp có thể tham khảo mẫu hợp đồng thuê tài sản sau đây:
Tải về Mẫu hợp đồng thuê tài sản dành cho doanh nghiệp
Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng thuê tài sản dành cho doanh nghiệp
(1) Trong trường hợp các chủ thể trong hợp đồng có đại diện thì ghi họ và tên, ngày sinh, số CMND/CCCD/Hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, hộ khẩu thường trú (trường hợp không có hộ khẩu thường trú thì ghi đăng ký tạm trú) của người đại diện, số giấy ủy quyền (trường hợp đại diện theo ủy quyền) và người lập giấy ủy quyền.
(2) Mô tả cụ thể, chi tiết các thông tin về tài sản cho thuê sẽ giúp các bên dễ dàng hơn trong việc xác định trách nhiệm thuộc về bên nào khi tài sản bị hư hỏng, giảm sút giá trị sử dụng, nhờ đó giúp hạn chế việc phát sinh tranh chấp sau này.
(3) Thời hạn thuê do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì được xác định theo mục đích thuê, tức là hợp đồng thuê hết thời hạn khi bên thuê đã đạt được mục đích thuê.
(4) Các bên có thể thoả thuận phương thức thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng hoặc thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt hoặc bằng phương thức thanh toán khác mà pháp luật cho phép.
(5) Thời hạn thanh toán do các bên thỏa thuận và phải ghi cụ thể trong hợp đồng, có thể thỏa thuận về việc thanh toán một lần cho cả thời gian thuê hoặc chia làm nhiều kỳ thanh toán.
(6) Địa điểm giao tài sản do hai bên thỏa thuận.
(7) Thời hạn giao tài sản do hai bên thỏa thuận.
(8) Trong trường hợp tài sản thuê là động sản thì địa điểm trả lại tài sản thuê là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên A, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.
(9) Thời hạn trả lại tài sản cho hai bên thỏa thuận.
(10) Trường hợp tài sản thuê là gia súc thì bên thuê phải trả lại gia súc đã thuê và cả gia súc được sinh ra trong thời gian thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên cho thuê phải thanh toán chi phí chăm sóc gia súc được sinh ra cho bên thuê.
Lưu ý: Mẫu hợp đồng thuê tài sản dành cho doanh nghiệp nêu trên mang tính chất tham khảo, không áp dụng bắt buộc. Tùy vào tình hình thực tế mà các bên có thể bổ sung hoặc thay đổi các điều khoản trong mẫu hợp đồng thuê này cho phù hợp nhưng không được trái với quy định pháp luật.
Có thể đồng thời áp dụng phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thuê tài sản dành cho doanh nghiệp không?
Căn cứ theo Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thỏa thuận phạt vi phạm như sau:
Thỏa thuận phạt vi phạm
1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Theo đó, chỉ được áp dụng vừa phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại nếu các bên có thỏa thuận bên vi phạm sẽ phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng.
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Lưu ý: Theo Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
- Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
- Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.