Mẫu hợp đồng mua bán văn phòng phẩm mới nhất hiện nay là mẫu nào? Hợp đồng gồm những nội dung gì?
Hợp đồng mua bán văn phòng phẩm là hợp đồng dân sự đúng không? Có buộc lập thành văn bản?
Văn phòng phẩm là tên gọi chung bao gồm tất cả những vật phẩm đơn giản được sử dụng nhằm phục vụ các hoạt động văn phòng hàng ngày như: giấy in, bút viết, sổ, ghim, kẹp, keo, kéo, phong bì, túi bìa cứng, giấy note, bìa hồ sơ,..
Hợp đồng mua bán văn phòng phẩm được hiểu là sự thỏa thuận mua bán bằng văn bản của các bên nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của nhau nhằm thể hiện ý chí, mục đích mua bán hàng hóa. Hàng hóa cụ thể ở đây là "văn phòng phẩm".
Dẫn chiếu đến Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 giải thích về khái niệm của hợp đồng như sau:
Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo quy định này thì hợp đồng được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, về bản chất thì hợp đồng mua bán văn phòng phẩm là một loại hợp đồng dân sự.
Cụ thể, tại Điều 402 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về các loại hợp đồng dân sự như sau:
Các loại hợp đồng chủ yếu
Hợp đồng gồm các loại chủ yếu sau đây:
1. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
2. Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.
3. Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
4. Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.
5. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.
6. Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.
Theo quy định trên thì hợp đồng mua bán văn phòng phẩm được xếp vào hợp đồng song vụ do các bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
Ví dụ: Bên bán có nghĩa vụ cung cấp văn phòng phẩm, bên mua có nghĩa vụ thanh toán giá trị của văn phòng phẩm mà bên bán cung cấp.
Về cơ bản, hợp đồng mua bán văn phòng phẩm sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005.
Dẫn chiếu đến Điều 24 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:
Hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa
1. Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại họp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
Như vậy, hợp đồng mua bán văn phòng phẩm có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
Tóm lại, hợp đồng mua bán văn phòng phẩm không bắt buộc lập thành văn bản mà tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên.
Mẫu hợp đồng mua bán văn phòng phẩm mới nhất hiện nay là mẫu nào? Hợp đồng gồm những nội dung gì? (hình từ internet)
Mẫu hợp đồng mua bán văn phòng phẩm mới nhất hiện nay là mẫu nào? Hợp đồng mua bán văn phòng phẩm gồm những nội dung gì?
Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005 và các văn bản liên quan không đề cập về mẫu hợp đồng mua bán văn phòng phẩm. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán văn phòng phẩm có thể có các nội dung được nêu tại khoản 2 Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
Nội dung của hợp đồng
1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
a) Đối tượng của hợp đồng;
b) Số lượng, chất lượng;
c) Giá, phương thức thanh toán;
d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
g) Phương thức giải quyết tranh chấp.
Tải về Mẫu hợp đồng mua bán văn phòng phẩm mới nhất hiện nay.
Trường hợp cần kí thêm phụ lục hợp đồng thì các bên cần lưu ý gì?
Phụ lục hợp đồng được quy định tại Điều 403 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Phụ lục hợp đồng
1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Theo quy định này, khi kí thêm phụ lục hợp đồng thì các bên cần lưu ý:
- Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
- Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.