Mẫu giấy đề nghị đăng ký mẫu séc trắng cho tổ chức cung ứng séc mới nhất hiện nay quy định thế nào?
Tổ chức cung ứng séc phải đăng ký mẫu séc trắng với cơ quan nào?
Theo Điều 64 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định về in, giao nhận và bảo quản séc trắng như sau:
In, giao nhận và bảo quản séc trắng
1. Tổ chức cung ứng séc tổ chức việc in séc trắng để cung ứng cho người sử dụng.
2. Trước khi séc trắng được in và cung ứng để sử dụng, các tổ chức cung ứng séc phải đăng ký mẫu séc trắng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
3. Việc in, giao nhận, bảo quản và sử dụng séc trắng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về in, giao nhận, bảo quản và sử dụng ấn chỉ có giá.
Theo quy định trên, tổ chức cung ứng séc phải đăng ký mẫu séc trắng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước khi séc trắng được in và cung ứng để sử dụng.
Mẫu giấy đề nghị đăng ký mẫu séc trắng cho tổ chức cung ứng séc mới nhất hiện nay quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Mẫu giấy đề nghị đăng ký mẫu séc trắng cho tổ chức cung ứng séc mới nhất hiện nay quy định thế nào?
Theo Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư 22/2015/TT-NHNN thì mẫu giấy đề nghị đăng ký mẫu séc trắng cho tổ chức cung ứng séc mới nhất hiện nay có dạng như sau:
Tải mẫu mới nhất tại đây
Và tại Điều 10 Thông tư 22/2015/TT-NHNN thì hồ sơ đề nghị đăng ký mẫu séc trắng đối với tổ chức cung ứng séc gồm những giấy tờ sau:
+ Giấy đề nghị đăng ký mẫu séc trắng.
+ Mẫu thiết kế của tờ séc trắng, gồm: kích thước, màu sắc, các yếu tố chi tiết của tờ séc trắng.
+ Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao không có chứng thực xuất trình kèm bản chính để đối chiếu Giấy phép hoạt động của tổ chức cung ứng séc (trường hợp đăng ký lần đầu) hoặc bản sao không có chứng thực đối với trường hợp đăng ký từ lần thứ hai trở đi.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận về việc đăng ký mẫu séc trắng của tổ chức cung ứng séc.
In séc trắng nhưng không đăng ký mẫu séc trắng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì tổ chức cung ứng séc bị xử phạt thế nào?
Căn cứ điểm b khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 29 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về công cụ chuyển nhượng như sau:
Vi phạm quy định về công cụ chuyển nhượng
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi ký vào công cụ chuyển nhượng không đúng thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thực hiện không đúng quy định về nghĩa vụ của người chấp nhận quy định tại Điều 22 Luật Các công cụ chuyển nhượng;
b) Nhờ thu qua người thu hộ không đúng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 39 Luật Các công cụ chuyển nhượng.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng khi đã biết công cụ chuyển nhượng này quá hạn thanh toán hoặc đã bị từ chối chấp nhận, bị từ chối thanh toán hoặc đã được thông báo bị mất quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Các công cụ chuyển nhượng;
b) Ký phát séc khi không đủ khả năng thanh toán.
4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Giả mạo chữ ký trên công cụ chuyển nhượng;
b) Không thực hiện đúng quy định về in, giao nhận và quản lý séc trắng quy định tại các khoản 2, 3 Điều 64 Luật Các công cụ chuyển nhượng.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả
...
3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:
...
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
...
Như vậy, tổ chức cung ứng séc in séc trắng nhưng không đăng ký mẫu séc trắng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 240.000.000 đồng.
Đồng thời tổ chức vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm và nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.