Mẫu Đơn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã mới nhất hiện nay? Hướng dẫn cách ghi đơn ứng cử?
Mẫu Đơn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã mới nhất hiện nay?
Hiện nay, mẫu Đơn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có thể tham khảo theo mẫu số 06/HĐBC-HĐND ban hành kèm theo Nghị quyết 41/NQ-HĐBCQG năm 2021 hướng dẫn hồ sơ ứng cử, mẫu phiếu bầu cử và các mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử.
TẢI VỀ mẫu Đơn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã mới nhất 2023
Hướng dẫn cách ghi mẫu Đơn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã?
Cách ghi mẫu Đơn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được hướng dẫn tại Nghị quyết 41/NQ-HĐBCQG năm 2021 như sau:
(1) Ghi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nơi mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
(2) Họ và tên thường dùng: Ghi họ, chữ đệm (nếu có) và tên thường dùng bằng chữ in hoa, đối với người hoạt động tôn giáo thì ghi theo chức danh tôn giáo (ví dụ: HÒA THƯỢNG THÍCH THANH A...).
(3) Họ và tên khai sinh: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong Giấy khai sinh, bằng chữ in hoa (Ví dụ: NGUYỄN THỊ A).
(4) Quốc tịch: Ghi rõ “Chỉ có 01 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và không trong thời gian thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch quốc gia khác”; trường hợp đang có cả quốc tịch nước khác hoặc đang làm thủ tục xin gia nhập quốc tịch nước khác thì ghi rõ thông tin về các quốc tịch đang có hoặc đang xin gia nhập.
(5) Nơi đăng ký khai sinh: Ghi tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh hoặc tương đương nơi đã cấp Giấy khai sinh hoặc nơi mình được sinh ra trong trường hợp không có Giấy khai sinh.
(6) Quê quán: Ghi nơi sinh của ông nội hay nơi sinh của cha; trường hợp cá biệt có thể ghi theo nơi sinh của mẹ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ cha, mẹ); ghi rõ tên hiện nay của xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương).
(7) Nơi đăng ký thường trú: Ghi theo địa chỉ đăng ký thường trú ghi trên Sổ hộ khẩu;
(8) Nơi ở hiện nay: Ghi nơi cư trú thường xuyên, nếu trùng với nơi đăng ký thường trú thì ghi “Như trên”. Ghi rõ số nhà, đường phố, tổ dân phố (làng, xóm, thôn, bản, ấp ...), xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương).
(9) Số CMND/Hộ chiếu/Căn cước công dân: Ghi một trong các số giấy chứng minh nhân dân, số hộ chiếu hoặc số căn cước công dân; trường hợp là Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân thì ghi số giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
(10) Dân tộc: Ghi tên dân tộc gốc của bản thân theo Giấy khai sinh như: Kinh, Thái, Tày, Mường, Khmer....
(11) Tôn giáo: Ghi rõ tên tôn giáo (như Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa hảo, Hồi giáo...) và chức sắc, chức việc trong tôn giáo (nếu có) (như Giám mục, Linh mục, Mục sư, Hòa thượng, Đại đức, Ni sư ...). Trường hợp không theo tôn giáo nào thì ghi “không”.
(12) Trình độ giáo dục phổ thông: Ghi rõ lớp cao nhất đã học xong trong hệ đào tạo 10 năm hay 12 năm, học phổ thông hay bổ túc hoặc cấp học đã tốt nghiệp (Ví dụ: đã học hết lớp 9 phổ thông hệ 10 năm thì ghi là “9/10 phổ thông”, đã học xong lớp 12 phổ thông hệ 12 năm thì dù đã tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp trung học phổ thông thì đều ghi là “12/12/phổ thông”,...).
(13) Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Ghi rõ đại học, cao đẳng hoặc trung cấp..., chuyên ngành gì thì viết theo chứng chỉ, văn bằng đã được cấp.
(14) Học vị: Ghi rõ học vị (nếu có) là Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ, Thạc sĩ hoặc tương đương và chuyên ngành đào tạo.
(15) Học hàm: Ghi rõ danh hiệu được Nhà nước phong tặng như: Giáo sư, Phó giáo sư, Viện sĩ....
(16) Lý luận chính trị: Ghi rõ trình độ cao nhất theo chứng chỉ, văn bằng đã được cấp như: sơ cấp, trung cấp, cao cấp, cử nhân.
(17) Ngoại ngữ: Ghi rõ biết tiếng nước nào và khả năng sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ: nếu tốt nghiệp đại học ngoại ngữ thì ghi đại học tiếng Anh, tiếng Pháp...; nếu học theo hệ bồi dưỡng thì viết là: Anh, Pháp... trình độ A, B, C, D theo văn bằng hoặc chứng nhận đã được cấp. Trường hợp có chứng chỉ ngoại ngữ do các tổ chức quốc tế cấp còn thời hạn như: IELTS; TOEFL... hoặc khung B1, B2 châu Âu thì khai theo chứng chỉ được cấp. Trường hợp đã học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài thì khai theo văn bằng được cấp và ngôn ngữ theo học (Ví dụ: Thạc sĩ luật - Tiếng Anh...). Nói được tiếng dân tộc thiểu số nào thì ghi rõ tên dân tộc đó.
(18) Nghề nghiệp hiện nay: Ghi rõ nghề nghiệp đang làm.
(19) Chức vụ: Ghi rõ chức vụ chính quyền, hàm cấp (lực lượng vũ trang, ngoại giao...); chức vụ trong Đảng, đoàn thể đang đảm nhiệm.
(20) Nơi công tác: Ghi rõ nơi đang công tác hoặc làm việc (nếu có). Trường hợp có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì ghi nơi công tác hoặc làm việc thường xuyên (nơi làm việc chính).
Mẫu Đơn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã mới nhất hiện nay? Hướng dẫn cách ghi đơn ứng cử? (Hình từ Internet)
Công dân Việt Nam phải nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã trước ngày ứng cử bao lâu?
Hồ sơ ứng cử và thời gian nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định tại Điều 35 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 như sau:
Hồ sơ ứng cử và thời gian nộp hồ sơ ứng cử
1. Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật này phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.
2. Hồ sơ ứng cử bao gồm:
a) Đơn ứng cử;
b) Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;
c) Tiểu sử tóm tắt;
d) Ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm;
đ) Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
3. Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn thi hành Điều này.
Như vậy, công dân Việt Nam ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.