Mẫu biên bản tạm bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là mẫu nào? Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án trong thời gian tạm bàn giao?
Mẫu biên bản tạm bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định là mẫu nào?
Mẫu biên bản tạm bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định là Mẫu số 01A Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 44/2024/NĐ-CP, mẫu có dạng như sau:
>> Xem chi tiết hơn mẫu biên bản tạm bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại đây. TẢI VỀ
Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm gì trong thời gian tạm bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 44/2024/NĐ-CP như sau:
Quản lý, vận hành tài sản trong thời gian đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo dự án sử dụng vốn nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt
1. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện có được đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng theo dự án sử dụng vốn nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm cả trường hợp dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng tài sản khác nhưng trong dự án có nội dung đầu tư vào tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện có) thì việc đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật khác có liên quan.
2. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng tài sản không phải là cơ quan quản lý tài sản thì căn cứ dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt:
a) Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý tài sản thuộc phạm vi quản lý tạm bàn giao tài sản cho chủ đầu tư dự án trong thời gian thực hiện dự án. Việc tạm bàn giao tài sản được lập thành Biên bản theo Mẫu số 01A tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
b) Trong thời gian tạm bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho chủ đầu tư dự án, cơ quan quản lý tài sản có trách nhiệm quản lý, kế toán tài sản; chủ đầu tư dự án có trách nhiệm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trong thời gian thực hiện đầu tư, trong đó có trách nhiệm bảo trì công trình thuộc tài sản trong trường hợp dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có bố trí kinh phí bảo trì công trình thuộc tài sản; không bố trí kinh phí bảo trì công trình thuộc tài sản cho cơ quan quản lý tài sản trong thời gian tạm bàn giao tài sản cho chủ đầu tư dự án.
c) Sau khi dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng theo quy định, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm bàn giao lại tài sản và phần giá trị tăng thêm của tài sản do thực hiện dự án theo quy định của pháp luật cho cơ quan quản lý tài sản để thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này, pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, trong thời gian tạm bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm:
- Bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trong thời gian thực hiện đầu tư.
- Bảo trì công trình thuộc tài sản trong trường hợp dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có bố trí kinh phí bảo trì công trình thuộc tài sản.
Lưu ý: Không bố trí kinh phí bảo trì công trình thuộc tài sản cho cơ quan quản lý tài sản trong thời gian tạm bàn giao tài sản cho chủ đầu tư dự án.
Đồng thời, sau khi dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư dự án có trách nhiệm bàn giao lại tài sản và phần giá trị tăng thêm của tài sản do thực hiện dự án theo quy định của pháp luật cho cơ quan quản lý tài sản để thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản.
Mẫu biên bản tạm bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là mẫu nào? Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án trong thời gian tạm bàn giao? (Hình từ Internet)
Có bao nhiêu hình thức bảo trì công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 44/2024/NĐ-CP thì công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được bảo trì nhằm bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng, khai thác tài sản.
Theo đó, có 02 hình thức bảo trì công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, gồm bảo trì theo chất lượng thực hiện và bảo trì theo khối lượng thực tế. Cụ thể:
(1) Bảo trì theo chất lượng thực hiện là việc thực hiện hoạt động bảo trì theo các tiêu chuẩn chất lượng xác định, trong một khoảng thời gian với một số tiền nhất định được quy định tại Hợp đồng kinh tế.
Hình thức bảo trì theo chất lượng thực hiện chỉ được áp dụng đối với hoạt động bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo chất lượng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
(2) Bảo trì theo khối lượng thực tế là việc thực hiện hoạt động bảo trì theo khối lượng công việc thực tế đã thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) quyết định hoặc ban hành Quy định thẩm quyền quyết định việc áp dụng hình thức bảo trì theo chất lượng thực hiện hoặc bảo trì theo khối lượng thực tế thực hiện đối với hoạt động bảo dưỡng thường xuyên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.