Mã số chứng chỉ năng lực trong xây dựng có mấy chữ số? Tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực trong xây dựng có quyền, nghĩa vụ gì?
- Mã số chứng chỉ năng lực trong xây dựng có mấy chữ số?
- Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực trong xây dựng được quy định ra sao?
- Trong hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở gồm có mã số chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của các nhà thầu nào?
Mã số chứng chỉ năng lực trong xây dựng có mấy chữ số?
Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định 15/2021/NĐ-CP giải thích một số từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
...
19. Mã số chứng chỉ hành nghề là dãy số có 08 chữ số dùng để quản lý chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân. Mỗi cá nhân tham gia hoạt động xây dựng khi đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu theo quy định của Nghị định này được cấp một mã số chứng chỉ hành nghề. Mã số chứng chỉ hành nghề không thay đổi khi cá nhân đề nghị cấp lại hoặc điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
20. Mã số chứng chỉ năng lực là dãy số có 08 chữ số dùng để quản lý chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức. Mỗi tổ chức tham gia hoạt động xây dựng khi đề nghị cấp chứng chỉ năng lực lần đầu theo quy định của Nghị định này được cấp một mã số chứng chỉ năng lực. Mã số chứng chỉ năng lực không thay đổi khi tổ chức đề nghị cấp lại hoặc điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ năng lực đã được cấp.
Như vậy, mã số chứng chỉ năng lực trong xây dựng có 08 chữ số, mã số này dùng để quản lý chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức.
Lưu ý:
- Mỗi tổ chức tham gia hoạt động xây dựng khi đề nghị cấp chứng chỉ năng lực lần đầu theo quy định của Nghị định 15/2021/NĐ-CP được cấp một mã số chứng chỉ năng lực.
- Mã số chứng chỉ năng lực không thay đổi khi tổ chức đề nghị cấp lại hoặc điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ năng lực đã được cấp.
Mã số chứng chỉ năng lực trong xây dựng có mấy chữ số? Tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực trong xây dựng có quyền, nghĩa vụ gì? (Hình từ Internet)
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực trong xây dựng được quy định ra sao?
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực trong xây dựng được quy định tại Điều 85 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(1) Tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực có các quyền sau đây:
- Yêu cầu được cung cấp thông tin về việc cấp chứng chỉ năng lực;
- Được hoạt động xây dựng trên phạm vi cả nước theo nội dung quy định được ghi trên chứng chỉ năng lực;
- Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về cấp và sử dụng chứng chỉ năng lực.
(2) Tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực có các nghĩa vụ sau đây:
- Khai báo trung thực hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác, hợp pháp của các tài liệu trong hồ sơ do mình cung cấp khi đề nghị cấp chứng chỉ; nộp lệ phí theo quy định;
- Hoạt động đúng với lĩnh vực, phạm vi hoạt động ghi trên chứng chỉ năng lực được cấp, tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan;
- Duy trì, đảm bảo điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức theo chứng chỉ năng lực được cấp;
- Không được tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ năng lực;
- Người đại diện theo pháp luật của tổ chức xuất trình chứng chỉ năng lực và chấp hành các yêu cầu về thanh tra, kiểm tra khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Trong hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở gồm có mã số chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của các nhà thầu nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định 15/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP) thì trong hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng gồm có mã số chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của nhà thầu khảo sát, nhà thầu lập thiết kế xây dựng, nhà thầu thẩm tra.
Ngoài ra, trong hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng còn bao gồm:
(1) Tờ trình thẩm định TẢI VỀ;
(2) Các văn bản pháp lý kèm theo, gồm: quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng kèm theo Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng được phê duyệt;
+ Văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở được đóng dấu xác nhận kèm theo (nếu có);
+ Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng của nhà thầu tư vấn thẩm tra được chủ đầu tư xác nhận (nếu có yêu cầu);
+ Văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, kết quả thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường (nếu có yêu cầu theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường) và các văn bản khác có liên quan.
Thủ tục về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện theo nguyên tắc đồng thời, không yêu cầu bắt buộc xuất trình tại thời điểm trình hồ sơ thẩm định, song phải có kết quả gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng trước thời hạn thông báo kết quả thẩm định 05 ngày làm việc;
(3) Hồ sơ khảo sát xây dựng được chủ đầu tư phê duyệt; hồ sơ thiết kế xây dựng của bước thiết kế xây dựng trình thẩm định;
(4) Mã số chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của nhà thầu khảo sát, nhà thầu lập thiết kế xây dựng, nhà thầu thẩm tra; mã số chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của các chức danh chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì các bộ môn thiết kế; chủ nhiệm, chủ trì thẩm tra; Giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài (nếu có);
(5) Đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công có yêu cầu thẩm định dự toán xây dựng, ngoài các nội dung quy định tại các khoản (1), (2), (3), (4) nêu trên thì hồ sơ phải có thêm dự toán xây dựng; các thông tin, số liệu về giá, định mức có liên quan để xác định dự toán xây dựng; báo giá, kết quả thẩm định giá (nếu có).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.