Luật Dân sự là gì? Pháp luật dân sự là gì? Theo nguyên tắc, cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện và chấm dứt quyền, nghĩa vụ như thế nào?
Luật Dân sự là gì? Pháp luật dân sự là gì?
Luật Dân sự là gì?
Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản có liên quan không quy định khái niệm "Luật Dân sự" là gì.
Tuy nhiên, trên thực tế, Luật Dân sự có thể hiểu là một ngành luật trong hệ thống pháp luật, quy định các nguyên tắc, chế định và quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực tư pháp (quan hệ dân sự). Những mối quan hệ này chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: tài sản, hợp đồng, nghĩa vụ, thừa kế, và các quyền nhân thân.
Pháp luật dân sự là gì?
Pháp luật dân sự có thể hiểu là tập hợp các quy phạm pháp luật (quy tắc xử sự được nhà nước ban hành hoặc thừa nhận) điều chỉnh các quan hệ dân sự. Nói cách khác, pháp luật dân sự là khung pháp lý chung để điều chỉnh các giao dịch, quyền và nghĩa vụ dân sự trong xã hội.
Lưu ý:
- Luật Dân sự: Là ngành luật, tập trung vào phạm vi hẹp trong hệ thống pháp luật, chủ yếu điều chỉnh các quan hệ dân sự.
- Pháp luật Dân sự: Là khái niệm rộng hơn, bao gồm toàn bộ quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân sự, có thể bao quát cả các văn bản liên quan khác, chẳng hạn như:
+ Luật Hôn nhân và Gia đình;
+ Luật Đất đai;
+ Luật Thương mại.
(*Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo)
Theo nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện và chấm dứt quyền, nghĩa vụ như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, theo nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
Và việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Luật Dân sự là gì? Pháp luật dân sự là gì? Theo nguyên tắc, cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện và chấm dứt quyền, nghĩa vụ như thế nào? (Hình từ Internet)
Theo quy định Bộ luật Dân sự, quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ nào? Quy định về việc thực hiện quyền dân sự ra sao?
Quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ nào?
Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ sau đây:
- Hợp đồng.
- Hành vi pháp lý đơn phương.
- Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật.
- Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
- Chiếm hữu tài sản.
- Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
- Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật.
- Thực hiện công việc không có ủy quyền.
- Căn cứ khác do pháp luật quy định.
Quy định về việc thực hiện quyền dân sự ra sao?
Việc thực hiện dân sự được quy định tại Điều 9 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
- Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, không được trái với quy định tại Điều 3 và Điều 10 của Bộ luật Dân sự 2015.
- Việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Lưu ý: Giới hạn việc thực hiện quyền dân sự được quy định tại Điều 10 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
(1) Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật.
(2) Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định tại khoản (1) thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.