Lén lấy thông tin cá nhân của khách hàng để mở tài khoản ngân hàng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
- Lén lấy thông tin cá nhân của khách hàng để mở tài khoản ngân hàng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính có thuộc đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi sử dụng thông tin trái phép của khách hàng không?
- Tổ chức có hành vi lén lấy thông tin cá nhân của khách hàng để mở tài khoản ngân hàng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả nào?
Lén lấy thông tin cá nhân của khách hàng để mở tài khoản ngân hàng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thu thập, sử dụng thông tin cá nhân được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) như sau:
Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
b) Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
b) Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;
c) Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
...
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
..
3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
...
Theo quy định trên thì tổ chức có hành vi lén lấy thông tin cá nhân của khách hàng khi khách tới ký hợp đồng điện lực để đăng ký tài khoản ngân hàng có thể xem đó là hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó.
Tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, việc lén lấy thông tin của khác hành như trên còn có thể được xem là hành vi
(1) Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
(2) Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
Trong trường hợp này người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
LƯU Ý: Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm về việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Lén lấy thông tin cá nhân của khách hàng để mở tài khoản ngân hàng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính có thuộc đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi sử dụng thông tin trái phép của khách hàng không?
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về đối tượng bị xử phạt như sau:
Đối tượng bị xử phạt
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.
2. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định của Nghị định này bao gồm:
a) Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử;
b) Đại lý cung cấp dịch vụ: bưu chính; viễn thông; trò chơi điện tử trên mạng;
c) Đại lý Internet là tổ chức;
...
Như vậy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính thuộc đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi sử dụng thông tin trái phép của khách hàng.
Tổ chức có hành vi lén lấy thông tin cá nhân của khách hàng để mở tài khoản ngân hàng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) có quy định như sau:
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
...
3. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, d, đ, h, i và k khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
...
m) Buộc nộp lại văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính;
n) Buộc tái xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng nhập khẩu;
o) Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân;
p) Buộc hoàn trả cước thu không đúng;
q) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép do vi phạm quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng có quy định như sau:
Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân
...
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này.
Như vậy, trong trường hợp tổ chức sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân hoặc thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác thì buộc phải hủy bỏ thông tin cá nhân đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.