Lao động tự do chưa đăng ký tạm trú tại địa phương có được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không?
Lao động tự do chưa đăng ký tạm trú tại có được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Do anh/chị không cung cấp rõ là hiện đang ở TPHCM hay tỉnh BR-VT. Nếu anh hiện đang ở TPHCM thì liên hệ chính quyền địa phương nơi đang ở để được xem xét hỗ trợ theo quy định của UBND TPHCM.
Nếu anh hiện đang ở Bà Rịa, theo Điều 1 Quyết định số 1896/QĐ-UBND ngày 13/7/2021 được sửa đổi bởi Điều 1 Quyết định 2558/QĐ-UBND năm 2021 của UBND tỉnh BR-VT về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cụ thể như sau;
“Điều 1. Quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ và thủ tục hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, như sau:
Về đối tượng áp dụng
Là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), làm các nghề, công việc chính sau:
- Buôn bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;
- Bán lẻ vé số lưu động;
- Thu gom rác, thu mua phế liệu;
- Bốc xếp, vận chuyển hàng hóa;
- Lái xe ôm, xe xích lô, xe ba gác; lái xe chở khách, chở hàng thuê;
- Tự làm, làm việc cho cá nhân, làm việc tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, vận tải, thương mại không có hợp đồng lao động.
- Lao động làm thuê trong công việc: đánh bắt hải sản gần bờ, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch hoa màu không có hợp đồng lao động.
Về điều kiện hỗ trợ
Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:
- Cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo quy định tại Điều 11 và Điều 19 Luật Cư trú 2020. Trường hợp không thuộc diện thường trú, tạm trú thì phải sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh trước ngày 1/5/2021.
- Phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm: yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 các cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác hoặc có xác nhận của chính quyền địa phương về việc mất việc làm.
Về mức hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ
Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày làm việc thực tế của người lao động bị mất việc làm, nhưng không quá 3.500.000 đồng/người.
Người lao động đã được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 1896/QĐ-UBND ngày 13/7/2021 và văn bản 8310/UBND-VP ngày 10/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ người bán vé số trên địa bàn tỉnh trước ngày có hiệu lực của Quyết định này mà tổng số tiền được hỗ trợ dưới 3.500.000 đồng thì vẫn tiếp tục được hỗ trợ theo Quyết định sửa đổi, bổ sung này.
Về thời gian thực hiện hỗ trợ
- Thời gian người lao động bị mất việc được hưởng hỗ trợ áp dụng từ ngày 01/5/2021 đến 31/12/2021.
- Thời gian thực hiện hỗ trợ (thời hạn nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ) từ ngày ban hành Quyết định này đến hết ngày 31/1/2022.
Về hồ sơ và thủ tục hỗ trợ
- Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đề nghị hỗ trợ của người lao động (theo mẫu kèm theo) có xác nhận của khu phố, ấp, thôn nơi cư trú hợp pháp của người đề nghị hoặc nơi làm việc bị mất việc của người lao động (trường hợp nơi làm việc và nơi ở của người lao động khác nhau).
+ Văn bản của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phê duyệt hỗ trợ kèm danh sách tổng hợp người lao động đề nghị hỗ trợ (theo mẫu kèm theo).
- Trình tự, thủ tục giải quyết hỗ trợ như sau:
+ Trong vòng 30 ngày tính từ ngày trở lại làm việc nhưng không quá ngày 31/1/2022, người lao động tự do có nhu cầu hỗ trợ làm đề nghị hỗ trợ gửi Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn. Đơn đề nghị hỗ trợ phải có xác nhận của khu phố, thôn, ấp hoặc người quản lý lao động (nơi cơ sở sản xuất kinh doanh có người lao động làm việc). Trường hợp người lao động đã được nhận hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ thấp hơn 3.500.000 đồng/người mà sau đó lại bị mất việc trở lại thì vẫn được làm đơn đề nghị hỗ trợ, nhưng tổng số tiền các lần hỗ trợ không quá 3.500.000 đồng/người.
+ Trưởng Ban điều hành khu phố, trưởng thôn, ấp hoặc người quản lý lao động có trách nhiệm xác nhận đơn của người lao động trong vòng 01 ngày làm việc; trường hợp không đồng ý cũng phải có nhận xét trong đơn.
+ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm trong vòng 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận đơn của người lao động phải thẩm định, rà soát, tổng hợp, niêm yết công khai tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và sau đó gửi danh sách cùng đơn của người lao động về Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để thẩm định đề xuất Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phê duyệt. Riêng đối với huyện Côn Đảo, Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thêm trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã như nêu trên.
+ Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xem xét phê duyệt danh sách người lao động và kinh phí hỗ trợ trong vòng 02 ngày làm việc. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và người lao động; đồng thời gửi quyết định phê duyệt về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính để tổng hợp, theo dõi.
+ Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức chi trả kinh phí hỗ trợ cho người lao động trong vòng 03 ngày làm việc, tính từ ngày ban hành Quyết định.
Như vậy anh Phát thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ của lao động tự do, tuy nhiên về điều kiện hỗ trợ thì chưa đảm bảo do anh chưa đăng ký tạm trú tại địa phương (Thành phố Bà Rịa)
Trường hợp anh có 2 đứa con nhỏ 4 tuổi và 5 tuổi, nếu anh không phải là người lao động được quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.