Lao động nữ có được làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định hiện nay hay không?
Quét dọn hầm vệ sinh trong hầm lò có phải là công việc đặc biệt độc hại, nguy hiểm không?
Theo STT 26 Mục I Phụ lục Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH quy định về đặc điểm điều kiện lao động của công việc quét dọn hầm vệ sinh trong hầm lò là nơi làm việc chật hẹp, nguy hiểm, tư thế lao động gò bó, chịu tác động của ồn, bụi than và khí CO2 (Điều kiện lao động loại V).
Như vậy, công việc quét dọn hầm vệ sinh trong hầm lò là một công việc đặc biệt độc hại, nguy hiểm.
Lao động nữ có được làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định hiện nay hay không? (Hình từ Internet)
Quét dọn hầm vệ sinh trong hầm lò có thuộc công việc khai thác than trong hầm lò không?
Theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định công việc khai thác than trong hầm lò gồm những công việc sau:
CÔNG VIỆC KHAI THÁC THAN TRONG HẦM LÒ
1. Khai thác mỏ hầm lò.
2. Khoan đá bằng búa máy cầm tay trong hầm lò.
3. Đội viên cứu hộ mỏ.
4. Sửa chữa cơ điện trong hầm lò.
5. Vận hành trạm quạt khí nén, điện, diezel, trạm xạc ắc quy trong hầm lò.
6. Thợ sắt, thợ thoát nước trong hầm lò.
7. Vận tải than trong hầm lò.
8. Đo khí, đo gió, trực cửa gió, trắc địa, KCS trong hầm lò.
9. Công nhân vận hành, sửa chữa các thiết bị trong hầm lò.
10. Vận hành và phụ tàu điện, tàu ắc quy trong hầm lò.
11. Vận hành, sửa chữa, nạp ắc quy trong hầm lò.
12. Nghiệm thu các sản phẩm trong hầm lò.
13. Thủ kho các loại trong hầm lò.
14. Bảo vệ kho trong hầm lò.
15. Quét dọn hầm vệ sinh, nạo vét bùn trong hầm lò.
16. Vận chuyển vật liệu trong hầm lò.
17. Trực gác tín hiệu trong hầm lò.
18. Phục vụ bồi dưỡng trong hầm lò.
19. Lắp đặt, sửa chữa hệ thống thông tin liên lạc trong hầm lò.
20. Vận hành trạm mạng trong hầm lò.
21. Trực gác cửa gió trong hầm lò.
22. Chỉ đạo kỹ thuật trực tiếp trong hầm lò.
23. Chỉ đạo sản xuất trực tiếp trong hầm lò (quản đốc, phó quản đốc, đội trưởng lò, lò trưởng).
24. Nhân viên, công nhân giám sát an toàn trong hầm lò.
Theo quy định nêu trên thì việc quét dọn hầm vệ sinh trong hầm lò thuộc công việc khai thác than trong hầm lò.
Lao động nữ có được làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định hiện nay hay không?
Trước đây, tại Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH có quy định về Danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ.
Hiện nay, Thông ty này được thay thế bởi Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động quy định về Danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con đối với lao động.
Có thể thấy hiện nay pháp luật không có quy định cấm lao động nữ có được làm công việc khai thác trong hầm lò (cụ thể là quét dọn hầm vệ sinh trong hầm lò) hay không. Trường hợp lao động nữ đảm bảo các yêu cầu đối với công việc thì có thể làm công việc này.
Theo Điều 11 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm:
a) Thực hiện công bố công khai để người lao động biết về những nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con đang có tại nơi làm việc (sau đây gọi tắt là nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con);
b) Cung cấp đầy đủ thông tin về tác hại cũng như các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại của các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con để người lao động lựa chọn, quyết định làm việc; thực hiện khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật, khi sử dụng người lao động làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.
2. Người lao động có trách nhiệm:
a) Tìm hiểu kỹ về nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con để xem xét, quyết định việc giao kết, sửa đổi, bổ sung và thực hiện hợp đồng lao động theo quy định;
b) Tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động khi làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con theo hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, đối với người lao động làm các công việc trong hầm lò thì cần đảm bảo về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của họ theo quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BCT.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Bảo vệ thai sản
...
2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
...
Theo đó, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.