Lao động nam có vợ sinh con nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản bị quá hạn thì có được giải quyết không?
Thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
"Điều 102. Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản
1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
4. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do."
Đối chiếu quy định trên, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày bạn quay trở lại làm việc sau khi nghỉ chăm sóc vợ sinh thì bạn sẽ phải nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thai sản.
Do đó, trường hợp của bạn là lao động nam có vợ sinh con, vợ bạn sinh con vào ngày 27/05/2022 mà đến thời điểm hiện tại bạn vẫn chưa nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản nên bạn đã bị quá thời hạn theo quy định.
Chế độ thai sản (Hình từ Internet)
Lao động nam có vợ sinh con nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản bị quá hạn thì có được giải quyết không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
"Điều 116. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chậm so với thời hạn quy định
1. Trường hợp vượt quá thời hạn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 và khoản 2 Điều 110, khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật này thì phải giải trình bằng văn bản.
2. Trường hợp nộp hồ sơ và giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của người lao động hoặc thân nhân của người lao động thuộc đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội."
Như vậy, mặc dù nộp muộn nhưng bạn vẫn có thể được giải quyết chế độ thai sản nếu có giải trình nêu rõ lý do với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Hồ sơ giải quyết chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con bao gồm loại giấy tờ nào?
Theo khoản 2 Điều 4 Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN ban hành hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 như sau:
"Điều 4. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả
Trách nhiệm của Bộ phận/Phòng TN-Trả KQ
[...]
2.2.4. Lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con: Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con; trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
[...]"
Như vậy, để được hưởng chế độ thai sản thì bạn phải nộp bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con cho công ty theo đúng quy định pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.