Làm airdrop là gì? Nhà nước tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền điện tử như thế nào?
Làm airdrop là gì?
>>> Xem thêm: Dự án airdrop là gì?
Như đã biết thì dự án airdrop là phương thức kiếm tiền miễn phí bằng cách tham gia các sự kiện phân phối token hay coin từ dự án tiền điện tử (tiền ảo), blockchain, sàn giao dịch.
Làm airdrop là việc 1 cá nhân chuyên tham gia các dự án airdrop để kiếm các oken hay coin từ dự án để quy đổi thành tiền (USD, VNĐ,...)
Theo Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2018 thì tình hình hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền điện tử (tiền ảo) để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.
Cá nhân trước khi tham gia các dự án airdrop cần phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, kỹ năng và công cụ để tránh bị thiệt hại về tài sản
Lưu ý: Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Làm airdrop là gì? (Hình từ Internet)
Tiền điện tử kiếm được từ việc làm airdrop có được xem là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam không?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định về ngoại hối như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
2. Ngoại hối bao gồm:
a) Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);
...
Tại Điều 16 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định về đơn vị tiền như sau:
Đơn vị tiền
Đơn vị tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "Đồng", ký hiệu quốc gia là "đ", ký hiệu quốc tế là "VND", một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu.
Ngoài ra, tại Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 có quy định về phát hành tiền giấy, tiền kim loại như sau:
Phát hành tiền giấy, tiền kim loại
...
2. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
...
Bên cạnh đó, Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP) cũng có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này.
...
Từ các quy định trên thì có thể thấy tiền điện tử kiếm được từ việc làm airdrop không được xem là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Để sử dụng được tiền điện tử kiếm được từ việc làm airdrop, người chơi cần quy đổi số tiền này trên các sàn giao dịch tiền điện tử ra đồng USD (ngoại tệ),
Sau khi đã quy đổi đồng USD, người chơi cũng có thể tiếp tục quy đổi ra tiền Việt Nam (VNĐ) để sử dụng.
Nhà nước tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền điện tử như thế nào?
Theo Chỉ thị 02/CT-NHNN năm 2018, Nhà nước thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền điện tử (tiền ảo) như sau:
(1) Yêu cầu chung
- Triển khai hiệu quả các giải pháp về phòng chống rửa tiền, tăng cường các biện pháp kiểm soát, quản lý rủi ro nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán cho mục đích mua bán, trao đổi tiền ảo hoặc sử dụng tiền ảo như phương tiện thanh toán.
- Tăng cường công tác thanh tra, giám sát về phòng chống rửa tiền, cấp tín dụng, mở và sử dụng tài khoản, thanh toán, chuyển tiền và các hoạt động liên quan khác có thể bị lợi dụng để phục vụ giao dịch tiền ảo nhằm bảo đảm các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, tuân thủ quy định pháp luật.
(2) Đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
- Các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế.
- Các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo, các tổ chức có hoạt động xử lý giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo và có biện pháp xử lý đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và quản lý ngoại hối.
(3) Đối với các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát, xử lý các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo theo các nội dung liên quan sau:
- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc đề xuất, xây dựng khung pháp lý quản lý, xử lý đối với các loại tiền ảo, tài sản ảo và đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi tiền ảo, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật.
- Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng làm đầu mối phối hợp với Vụ Thanh toán và các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước tham mưu, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước việc thanh tra về rủi ro tiền ảo đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trường hợp xét thấy cần thiết, có nguy cơ rủi ro hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
(4) Đối với ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Căn cứ chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, chủ động thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các quy định pháp luật có liên quan đối với hoạt động tiền ảo tới các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên địa bàn để biết và thực hiện.
- Tăng cường công tác giám sát, phát hiện các giao dịch, hoạt động tiền ảo có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật để xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý, đặc biệt đối với hoạt động sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái quy định pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.