KPI là gì? Người lao động không đạt KPI thì người sử dụng lao động có được trừ lương hay không?
KPI là gì?
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản có liên quan khác không có quy định cụ thể về KPI là gì.
Tuy nhiên, có thể hiểu KPI là cụm từ viết tắt của Key Performance Indicator được hiểu là chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc.
KPI thường được thể hiện qua số liệu, tỉ lệ, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ảnh hiệu quả hoạt động của các nhóm hoặc bộ phận của doanh nghiệp.
Hiện nay, tùy vào từng loại hình doanh nghiệp mà sẽ có từng loại KPI khác nhau, dưới đây là những loại KPI tiêu biểu như sau:
- KPI kinh doanh: Có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp đo lường kết quả của các mục tiêu kinh doanh dài hạn bằng cách theo dõi từng chỉ số kinh doanh của, từ đó điều hướng giữa từng quy trình và xác định những lĩnh vực chậm tăng trưởng.
- KPI tài chính: Được giám sát bởi lãnh đạo của doanh nghiệp và bộ phận tài chính của doanh nghiệp. Những chỉ số này cho thấy doanh nghiệp có đang hoạt động như thế nào trên phương diện tạo ra lợi nhuận và doanh thu để biết việc kinh doanh của doanh nghiệp có đang thuận lợi hay gặp khó khăn.
- KPI tiếp thị: Giúp các đội ngũ nhân viên tiếp thị của doanh nghiệp theo dõi khả năng thành công trên các kênh tiếp thị, cho ra các số liệu để đánh giá một cách tổng quan xem đội ngũ tiếp thị đó hoạt động như thế nào trong việc tìm kiếm các khách hàng mới.
- KPI bán hàng: Là các chỉ số theo dõi khả năng đạt được mục đích và mục tiêu từ số liệu bán hàng của dội ngũ bán hàng, giúp theo dõi kết quả cũng như múc tăng trưởng doanh thu hàng tháng. Đây là chỉ số cực kỳ quan trọng để đánh giá chất lượng của cả quy trình bán hàng, kinh doanh tổng thể.
- KPI quản lý dự án: Được các nhà quản lý sử dụng để theo dõi tỷ lệ phần trăm đạt được và tiến độ của các mục tiêu đề ra. Doanh nghiệp thường sử dụng những số liệu này để xác định xem dự án có thành công và đáp ứng yêu cầu hay không.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo!
KPI là gì? Người lao động không đạt KPI thì người sử dụng lao động có được trừ lương hay không? (Hình từ Internet)
Người lao động không đạt KPI thì người sử dụng lao động có được trừ lương hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 102 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Khấu trừ tiền lương
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này.
2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.
Do đó, người lao động không đủ KPI thì người sử dụng lao động không được khấu trừ tiền lương.
Người sử dụng lao động trừ lương KPI của người lao động sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
...
Như vậy, nếu người sử dụng lao động có hành vi khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật (lương KPI) sẽ bị xử phạt theo các mức sau:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra, người sử dụng lao động buồn phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.