Kinh phí bồi dưỡng cán bộ công chức được sử dụng để thực hiện vào mục đích gì? Chi tổ chức cho các lớp bồi dưỡng cán bộ công chức trong nước được chi vào những việc nào?
Kinh phí bồi dưỡng cán bộ công chức được sử dụng cụ thể ra sao?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 36/2018/TT-BTC, được bổ sung, sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 3 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-BTC (Có hiệu lực kể từ ngày 20/03/2023) quy định như sau:
Nguyên tắc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC:
1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho CBCC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo khác) các nội dung: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm;
...
Như vậy, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho CBCC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo khác) các nội dung:
- Lý luận chính trị;
- Kiến thức quốc phòng và an ninh;
- Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước;
- Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Trước đây, khoản 1 Điều 3 Thông tư 36/2018/TT-BTC quy định:
Nguyên tắc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC:
1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho CBCC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (bao gồm đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo khác) các nội dung: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng, an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ;
...
Kinh phí bồi dưỡng cán bộ công chức được sử dụng để thực hiện vào mục đích gì? Chi tổ chức cho các lớp bồi dưỡng cán bộ công chức trong nước được chi vào những việc nào? (Hình từ Internet)
Chi tổ chức cho các lớp bồi dưỡng cán bộ công chức trong nước được chi vào những việc nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 36/2018/TT-BTC quy định về chi tổ chức cho các lớp bồi dưỡng cán bộ công chức trong nước như sau:
* Các nội dung chi do các cơ sở bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp bồi dưỡng CBCC, viên chức, giao nhiệm vụ biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng thực hiện:
- Chi biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng mới hoặc chi chỉnh sửa, bổ sung cập nhật chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng: Do cơ quan, đơn vị được giao chủ trì biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ chi từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được giao hàng năm;
- Chi thù lao giảng viên, trợ giảng; phụ cấp tiền ăn giảng viên, trợ giảng; chi phí đưa, đón, bố trí nơi ở cho giảng viên, trợ giảng;
- Chi tài liệu học tập bắt buộc theo nội dung chương trình khoá học cho học viên (không kể tài liệu tham khảo);
- Chi hỗ trợ cho các đối tượng là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố ở phường, thị trấn trong những ngày đi tập trung học tại cơ sở đào tạo các khoản: Chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ; nghỉ tết); chi hỗ trợ tiền thuê chỗ nghỉ;
- Chi thuê hội trường, phòng học, thiết bị phục vụ học tập (nếu có);
- Chi thuê phiên, biên dịch;
- Chi ra đề thi, coi thi, chấm thi; hội đồng xét kết quả; chi lễ khai giảng, bế giảng;
- Chi nước uống phục vụ lớp học;
- Chi tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế (nếu có);
- Chi khen thưởng cho học viên đạt loại giỏi, loại xuất sắc;
- Chi tiền thuốc y tế thông thường cho học viên (nếu học viên ốm);
- Chi in và cấp chứng chỉ;
- Chi khác phục vụ trực tiếp lớp học (điện, nước, thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, vệ sinh, trông giữ xe và các khoản chi trực tiếp khác);
- Chi hoạt động quản lý trực tiếp các lớp bồi dưỡng CBCC, viên chức: Chi công tác phí cho cán bộ quản lý lớp của cơ sở đào tạo (nếu có); chi làm thêm giờ của cán bộ quản lý lớp (nếu có) và các khoản chi khác để phục vụ quản lý, điều hành lớp học (nếu có).
Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức đã được ngân sách đầu tư xây dựng phòng nghỉ phải có trách nhiệm bố trí chỗ nghỉ cho học viên ở xa đối với những lớp được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ và phân bổ kinh phí thực hiện; không được thu thêm khoản tiền phòng nghỉ của học viên.
* Trường hợp cơ quan, đơn vị được giao kinh phí bồi dưỡng CBCC, viên chức nhưng không có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, không có điều kiện tự tổ chức lớp phải gửi CBCC, viên chức đi bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác thì cơ quan, đơn vị thanh toán cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng các khoản:
- Chi phí bồi dưỡng theo hợp đồng dịch vụ do cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức ký kết với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng;
- Tiền mua giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc và các khoản chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo hoá đơn thu tiền của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
* Các nội dung chi do cơ quan, đơn vị cử CBCC, viên chức đi bồi dưỡng thực hiện: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cử CBCC, viên chức đi bồi dưỡng sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác của mình để hỗ trợ cho CBCC, viên chức những nội dung chi sau:
- Chi hỗ trợ một phần tiền ăn cho học viên trong thời gian đi học tập trung;
- Chi hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ; nghỉ tết);
- Chi thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ cho học viên trong những ngày đi học tập trung tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (nếu có);
- Chi hỗ trợ đối với CBCC, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
Cơ quan đơn vị cử CBCC, viên chức đi học không chi hỗ trợ tiền chi phí đi lại và tiền thuê chỗ nghỉ đối với các trường hợp là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố ở phường, thị trấn đã được cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng CBCC chi hỗ trợ theo quy định tại tiết a khoản 3 nêu trên."
Mức chi bồi dưỡng cán bộ công chức trong nước được quy định ra sao?
Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 36/2018/TT-BTC quy định về mức chi bồi dưỡng cán bộ công chức trong nước, cụ thể như sau
Mức chi đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức:
...
2. Mức chi bồi dưỡng CBCC trong nước:
Căn cứ tình hình thực tế và khả năng kinh phí được cấp có thẩm quyền phân bổ hàng năm, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức các khoá bồi dưỡng CBCC quyết định các mức chi cụ thể cho phù hợp; đồng thời phải bảo đảm sắp xếp kinh phí để thực hiện theo đúng nhiệm vụ bồi dưỡng CBCC được cấp có thẩm quyền giao và trong phạm vi dự toán được phân bổ; cụ thể như sau:
a) Chi thù lao giảng viên, báo cáo viên:
Tuỳ theo đối tượng, trình độ học viên, căn cứ yêu cầu chất lượng khóa bồi dưỡng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức các khoá bồi dưỡng CBCC quyết định mức chi thù lao cho giảng viên, trợ giảng (nếu có), báo cáo viên trong nước (bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng) trên cơ sở thỏa thuận theo hình thức hợp đồng công việc phù hợp với chất lượng, trình độ của giảng viên, báo cáo viên trong phạm vi dự toán được giao. Mức chi thù lao tối đa: 2.000.000 đồng/người/buổi (một buổi giảng được tính bằng 4 tiết học);
Đối với giảng viên nước ngoài: Tuỳ theo mức độ cần thiết các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quyết định việc mời giảng viên nước ngoài. Mức thù lao đối với giảng viên nước ngoài do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quyết định trên cơ sở thoả thuận tuỳ theo chất lượng giảng viên và bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị.
Riêng đối với các giảng viên chuyên nghiệp làm nhiệm vụ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, thì số giờ giảng vượt định mức được thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Trường hợp các giảng viên này được mời tham gia giảng dạy tại các lớp học do các cơ sở đào tạo khác tổ chức thì vẫn được hưởng theo chế độ thù lao giảng viên theo quy định.
b) Phụ cấp tiền ăn cho giảng viên:
Tuỳ theo địa điểm, thời gian tổ chức lớp học, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng CBCC quyết định chi phụ cấp tiền ăn cho giảng viên phù hợp với mức chi phụ cấp lưu trú được quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị và văn bản của Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
c) Chi phí thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền thuê phòng nghỉ cho giảng viên:
Trường hợp cơ quan, đơn vị không bố trí được phương tiện, không có điều kiện bố trí chỗ nghỉ cho giảng viên mà phải đi thuê thì được chi theo mức chi quy định hiện hành tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị và văn bản của Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
d) Chi dịch thuật:
Thực hiện mức chi dịch thuật hiện hành quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.
đ) Chi nước uống phục vụ lớp học: Áp dụng mức chi nước uống tổ chức các cuộc hội nghị theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
e) Chi ra đề thi, coi thi, chấm thi:
Áp dụng mức chi ra đề thi, coi thi, chấm thi tại Thông tư liên tịch số 66/2012/TTLT/BTC-BGDDT ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.
Riêng đối với các giảng viên chuyên nghiệp làm nhiệm vụ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện quy đổi thời gian ra giờ chuẩn theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08 tháng 01 năm 2018 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
g) Chi khen thưởng cho học viên đạt loại giỏi, loại xuất sắc:
Căn cứ khả năng nguồn kinh phí, căn cứ số lượng học viên đạt loại giỏi, loại xuất sắc của từng lớp, cơ sở đào tạo được quyết định chi khen thưởng cho học viên đạt loại giỏi, loại xuất sắc theo mức tối đa không quá 200.000 đồng/học viên.
h) Chi hỗ trợ một phần tiền ăn cho học viên trong thời gian đi học tập trung; chi hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ; nghỉ tết); chi thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ cho học viên trong những ngày đi học tập trung tại cơ sở bồi dưỡng (trong trường hợp cơ sở bồi dưỡng và đơn vị tổ chức bồi dưỡng xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ):
Căn cứ địa điểm tổ chức lớp học và khả năng ngân sách, các cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ cho CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các khoản chi phí nêu trên đảm bảo nguyên tắc: Các khoản chi hỗ trợ này phù hợp với mức chi hiện hành của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
i) Các khoản chi phí theo thực tế phục vụ trực tiếp lớp học:
- Chi thuê hội trường, phòng học; thuê thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy (đèn chiếu, máy vi tính, thiết bị khác....);
- Chi mua, in ấn giáo trình, tài liệu trực tiếp phục vụ lớp học (không bao gồm tài liệu tham khảo); chi in và cấp chứng chỉ;
- Chi tiền thuốc y tế thông thường cho học viên;
Các khoản chi phí thực tế nêu trên khi thanh toán phải có đầy đủ chứng từ, hoá đơn theo quy định. Đối với các khoản chi thuê phòng học, thuê thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy phải có hợp đồng, hoá đơn theo quy định; trong trường hợp mượn cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị khác tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nhưng vẫn phải thanh toán các khoản chi phí điện, nước, vệ sinh, an ninh, phục vụ, thì chứng từ thanh toán là bản hợp đồng và thanh lý hợp đồng công việc giữa hai bên kèm theo phiếu thu của cơ quan, đơn vị cho mượn cơ sở vật chất; bên cho mượn cơ sở vật chất hạch toán khoản thu này để giảm chi kinh phí hoạt động của đơn vị.
k) Chi phí tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế:
- Chi trả tiền phương tiện đưa, đón học viên đi khảo sát, thực tế: Theo hợp đồng, chứng từ chi thực tế;
- Hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền nghỉ cho học viên trong những ngày đi thực tế: Do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quyết định mức hỗ trợ phù hợp với mức chi công tác phí quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị và phải bảo đảm trong phạm vi dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được giao.
l) Chi biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng mới; chi chỉnh sửa, bổ sung cập nhật chương trình, tài liệu bồi dưỡng:
Căn cứ quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/06/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, các cơ quan, đơn vị chủ trì biên soạn chương trình, giáo trình quyết định mức chi cho phù hợp với từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
m) Chi hoạt động quản lý trực tiếp các lớp bồi dưỡng CBCC của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng:
Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc cơ quan tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng CBCC được phép trích tối đa không quá 10% trên tổng kinh phí của mỗi lớp học và được tính trong phạm vi nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được phân bổ để chi phí cho các nội dung chi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư này;
Kinh phí phục vụ quản lý lớp học không chi hết, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ quan tổ chức lớp bồi dưỡng được chủ động sử dụng cho các nội dung khác có liên quan phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ quan tổ chức lớp bồi dưỡng CBCC có trách nhiệm quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ về định mức chi quản lý và sử dụng khoản kinh phí quản lý lớp học đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước.
n) Chi các hoạt động phục vụ trực tiếp công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng CBCC của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư này:
- Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị; chi đi công tác để kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;
- Chi điều tra, khảo sát xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng: Áp dụng mức chi quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia;
- Chi văn phòng phẩm, các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng CBCC: Căn cứ chứng từ chi hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.