Kinh doanh ngoại tệ là gì? Kinh doanh ngoại tệ có thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng không?
Kinh doanh ngoại tệ là gì?
Hiện nay, pháp luật chỉ có giải thích từ "ngoại tệ" mà không có quy định nào định nghĩa cụ thể về "Kinh doanh ngoại tệ là gì?".
Cụ thể theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 07/2012/TT-NHNN quy định:
Ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực.
Bên cạnh đó, theo điểm a khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 quy định:
1. Ngoại hối bao gồm:
a) Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);
...
Như vậy, kinh doanh ngoại tệ được hiểu là hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối nhằm kiếm lời dựa trên sự chênh lệch tỷ giá giữa các ngoại tệ.
Kinh doanh ngoại tệ có thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng không?
Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng được quy định khoản 8 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013) như sau:
Đối tượng không chịu thuế
...
8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:
a) Dịch vụ cấp tín dụng bao gồm: cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật;
b) Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng;
c) Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; lưu ký chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
d) Chuyển nhượng vốn bao gồm: chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất, kinh doanh, chuyển nhượng chứng khoán; hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật;
đ) Bán nợ;
e) Kinh doanh ngoại tệ;
g) Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật;
h) Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
....
Như vậy, kinh doanh ngoại tệ là một trong dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Kinh doanh ngoại tệ là gì? Kinh doanh ngoại tệ có thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng không? (Hình từ Internet)
Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế GTGT trong các trường hợp nào?
Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế GTGT trong các trường hợp được quy định tại khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được bổ sung bởi khoản 1 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư 193/2015/TT-BTC) như sau:
Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
...
7. Các trường hợp khác:
Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế trong các trường hợp sau:
a) Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
b) Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp; điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Tài sản điều chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong cơ sở kinh doanh; tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải xuất hóa đơn.
Trường hợp tài sản điều chuyển giữa các đơn vị hạch toán độc lập hoặc giữa các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ trong cùng một cơ sở kinh doanh thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải xuất hóa đơn GTGT và kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 6 Điều này.
c) Thu đòi người thứ 3 của hoạt động bảo hiểm.
d) Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh.
đ) Doanh thu hàng hóa, dịch vụ nhận bán đại lý và doanh thu hoa hồng được hưởng từ hoạt động đại lý bán đúng giá quy định của bên giao đại lý hưởng hoa hồng của dịch vụ: bưu chính, viễn thông, bán vé xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hoả, tàu thủy; đại lý vận tải quốc tế; đại lý của các dịch vụ ngành hàng không, hàng hải mà được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; đại lý bán bảo hiểm.
e) Doanh thu hàng hóa, dịch vụ và doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý bán hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT.
g) Cơ sở kinh doanh không phải nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị phía nước ngoài trả lại. Khi cơ sở kinh doanh bán hàng hóa bị trả lại này trong nội địa thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.
h. Tổ chức, doanh nghiệp nhận các khoản thù lao từ cơ quan nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước.
Thù lao thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT quy định tại điểm này là các khoản thù lao nhận được từ hoạt động: thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện cho cơ quan Bảo hiểm xã hội; chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công, trợ cấp khác cho Bộ Lao động và thương binh xã hội; thu thuế của hộ cá nhân cho cơ quan thuế và các khoản thu hộ, chi hộ khác cho cơ quan Nhà nước.
...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.