Kinh doanh khai thác cảng biển có phải ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không? Nếu có thì điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển là gì?
Kinh doanh khai thác cảng biển có phải ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay không?
Căn cứ theo Điều 7 Luật Đầu tư 2020 quy định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020 (được bổ sung bởi khoản 5 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022).
Và tại số thứ tự thứ 88 Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020 thì kinh doanh khai thác cảng biển là một trong những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Kinh doanh khai thác cảng biển có phải ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện? (Hình từ Internet)
Điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh khai thác cảng biển là gì?
Đầu tiên doanh nghiệp muốn kinh doanh khai thác cảng biển phải đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 5 Nghị định 37/2017/NĐ-CP (Sửa đổi bởi khoản 1 Điều 5 Nghị định 147/2018/NĐ-CP) như sau:
Điều kiện của doanh nghiệp
1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp doanh nghiệp cảng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn theo quy định của pháp luật, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Tiếp theo doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực được quy định tại Điều 6 Nghị định 37/2017/NĐ-CP (Sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 147/2018/NĐ-CP), cụ thể như sau:
Điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực
1. Điều kiện về tổ chức bộ máy: Có bộ phận quản lý an ninh hàng hải theo quy định.
2. Điều kiện về nhân lực: Cán bộ an ninh cảng biển được đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phù hợp với Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng (ISPS Code)
Về điều kiện của cơ sở vật chất, trang thiết bị doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 7 Nghị định 37/2017/NĐ-CP (Sửa đổi bởi khoản 3 Điều 5 Nghị định 147/2018/NĐ-CP), cụ thể:
Điều kiện về cơ sử vật chất, trang thiết bị
1. Có đủ cơ sở vật chất, kho, bãi, trang thiết bị cần thiết phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cảng biển; trường hợp cảng biển không có đủ kho, bãi, doanh nghiệp cảng phải có hợp đồng thuê kho, bãi, trừ trường hợp chỉ kinh doanh khai thác bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, cảng dầu khí ngoài khơi.”
2. Đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 9 Nghị định 37/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 4 Điều 5 Nghị định 147/2018/NĐ-CP), cụ thể:
Điều kiện về bảo vệ môi trường
Đảm bảo có đủ các phương tiện tiếp nhận, thu hồi các chất thải từ tàu thuyền khi hoạt động tại cảng biển để xử lý theo quy định của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra mà Việt Nam là thành viên (Công ước MARPOL) và các điều kiện khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Thủ tục thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển cho doanh nghiệp thế nào?
Tại Điều 10 Nghị định 37/2017/NĐ-CP (Sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 69/2022/NĐ-CP và điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 69/2022/NĐ-CP) quy định về thủ tục thực hiện như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp cảng đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) phải gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam 01 bộ hồ sơ. Hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Danh sách các chức danh và hợp đồng lao động kèm theo bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính các văn bằng, chứng chỉ theo chức danh quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 37/2017/NĐ-CP;
- Bản chính hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính Phương án khai thác cảng biển của doanh nghiệp cảng.
Bước 2: Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định; nếu hồ sơ hợp lệ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ.
Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận và gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến doanh nghiệp cảng; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.