Kinh doanh đường sắt là gì? Kinh doanh đường sắt có nhận ưu đãi gì không? Điều kiện trong kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt như thế nào?
Kinh doanh đường sắt là gì? Kinh doanh đường sắt có được nhận ưu đãi không?
Theo khoản 1 Điều 49 Luật Đường sắt 2017 quy định về hoạt động kinh doanh đường sắt như sau:
Kinh doanh đường sắt bao gồm kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị.
Theo đó tại các khoản 20, khoản 21 và khoản 22 Điều 3 Luật Đường sắt 2017 định nghĩa về ba hình thức kinh doanh đường sắt như sau:
- Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ hoạt động đầu tư, sử dụng, bán, cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt để phục vụ hoạt động vận tải đường sắt và các dịch vụ thương mại khác nhằm mục đích sinh lợi.
- Kinh doanh vận tải đường sắt là việc thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý và hàng hóa bằng đường sắt nhằm mục đích sinh lợi.
- Kinh doanh đường sắt đô thị là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn từ đầu tư đến vận chuyển hành khách trong đô thị nhằm mục đích sinh lợi.
Tại khoản 1 Điều 6 Luật Đường sắt 2017 quy định việc kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị và công nghiệp đường sắt là các ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh đường sắt được hưởng ưu đãi, hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đường sắt 2017 như sau:
- Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt;
- Căn cứ vào khả năng nguồn lực thực tế, Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; đầu tư mua sắm phương tiện giao thông đường sắt, máy móc, thiết bị phục vụ duy tu bảo dưỡng đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt;
- Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị, công nghiệp đường sắt được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt, nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động đường sắt và vật tư cần thiết cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được.
Tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được dành riêng dải tần số vô tuyến điện phục vụ công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt và hệ thống cung cấp điện sức kéo phục vụ chạy tàu.
Kinh doanh đường sắt là gì?
Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có đòi hỏi điều kiện gì không?
Theo Điều 50 Luật Đường sắt 2017 quy định về hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt của tổ chức, cá nhân như sau:
- Kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho doanh nghiệp để kinh doanh theo quy định.
- Tổ chức, cá nhân sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư hoặc do tổ chức, cá nhân khác đầu tư để hoạt động kinh doanh phải trả tiền sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Tại khoản 2 Điều 49 Luật Đường sắt 2017 quy định thì kinh doanh đường sắt là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 20 Nghị định 65/2018/NĐ-CP như sau:
- Có bộ phận phụ trách công tác an toàn. Người phụ trách bộ phận an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt phải có trình độ đại học về chuyên ngành xây dựng công trình đường sắt và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp một trong các lĩnh vực: Xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.
- Có ít nhất 01 người quản lý doanh nghiệp có trình độ đại học và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp một trong các lĩnh vực: Xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.
- Kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc trách nhiệm quản lý của doanh nghiệp phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt
Theo Điều 46 Luật Đường sắt 2017 quy định về trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt như sau:
- Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có trách nhiệm tổ chức bảo vệ trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp; chủ động phối hợp với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân để phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết theo thẩm quyền hành vi vi phạm pháp luật về đường sắt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
- Lực lượng bảo vệ trên tàu được tổ chức trong doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trên các mạng đường sắt quốc gia.
- Chính phủ quy định về tổ chức, trang phục, phù hiệu, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ trên tàu. Việc trang bị, quản lý và sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng bảo vệ trên tàu thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Bên cạnh trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được thực hiện quyền và có nghĩa theo Điều 51 Luật Đường sắt 2017 như sau:
- Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có các quyền sau đây:
+ Được sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định;
+ Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến kết cấu hạ tầng đường sắt phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kết cấu hạ tầng đường sắt;
+ Xây dựng và trình duyệt giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư trong phạm vi được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng;
+ Tạm đình chỉ chạy tàu khi thấy kết cấu hạ tầng đường sắt có nguy cơ mất an toàn chạy tàu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;
+ Được bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc tổ chức, cá nhân khác gây ra;
+ Được Nhà nước hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có các nghĩa vụ sau đây:
+ Quản lý sử dụng tài sản thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật;
+ Duy trì trạng thái kỹ thuật, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt đã công bố bảo đảm giao thông đường sắt luôn an toàn, thông suốt;
+ Xây dựng, công bố công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu trên các tuyến, đoạn tuyến, khu đoạn để làm cơ sở cho việc chạy tàu;
+ Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt trên hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị khi được Nhà nước giao. Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt và khách hàng thông tin về dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt và năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt khi có yêu cầu;
+ Thông báo kịp thời sự cố đe dọa an toàn chạy tàu và việc tạm đình chỉ chạy tàu cho trực ban chạy tàu ga ở hai đầu khu gian nơi xảy ra sự cố, nhân viên điều hành giao thông vận tải đường sắt, khách hàng sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt;
+ Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và lệnh chạy tàu đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
+ Khi được Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền khai thác mà tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng do lỗi chủ quan của mình, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải có trách nhiệm tự khôi phục;
+ Trả tiền sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định;
+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hoạt động kinh doanh đường được thực hiện với các hình thức sau: kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt và kinh doanh đường sắt đô thị. Theo đó, các hình thức kinh doanh thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư nên tổ chức, cá nhân khi thực hiện hoạt động kinh doanh đường sắt sẽ nhận được nhận ưu đãi, hỗ trợ theo quy định.
Đối với hình thức kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt là hình thức kinh doanh có điều kiện nên đòi hỏi doanh nghiệp khi thực hiện kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện cụ thể đồng thời thực hiện đúng trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.