Kiểm sát viên được quyền vắng mặt khi tiến hành đối chất bị can trong vụ án hình sự khi đáp ứng điều kiện gì?
Khi tiến hành đối chất trong vụ án hình sự Điều tra viên có trách nhiệm gì?
Khi tiến hành đối chất trong vụ án hình sự Điều tra viên có trách nhiệm gì? (hình ảnh từ Internet)
Căn cứ khoản 3 Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
Đối chất
...
3. Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Sau khi nghe đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.
Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan; có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải ghi vào biên bản.
Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai trước đó của họ.
...
Theo đó, khi tiến hành đối chất trách nhiệm của Điều tra viên được quy định ở mỗi giai đoạn của việc đối chất như sau:
- Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Sau khi nghe đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.
- Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan; có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải ghi vào biên bản.
Lưu ý rằng chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong thì Điều tra viên mới được nhắc lại những lời khai trước đó của họ.
Kiểm sát viên vắng mặt khi tiến hành đối chất bị can trong vụ án hình sự cần đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ Điều 52 Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 quy định như sau:
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc đối chất
1. Sau khi nhận được thông báo của Điều tra viên, Kiểm sát viên phải có mặt để trực tiếp kiểm sát việc đối chất. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt, phải được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện và thông báo kịp thời cho Điều tra viên để ghi rõ trong biên bản đối chất.
2. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai giữa các bị can, bị hại, người làm chứng, đương sự mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên tiến hành việc đối chất.
3. Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ các hoạt động của Điều tra viên trong khi đối chất theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu phát hiện vi phạm thì yêu cầu Điều tra viên khắc phục. Trong quá trình đối chất, khi thấy còn những vấn đề chưa được làm rõ thì yêu cầu Điều tra viên tiếp tục hỏi để làm rõ.
4. Khi đã yêu cầu đối chất mà Điều tra viên không thực hiện hoặc kết quả đối chất chưa rõ hoặc sau khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát đã nhận hồ sơ vụ án, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng hoặc trường hợp cần thiết thì Kiểm sát viên tiến hành đối chất và lập biên bản đối chất theo quy định tại Điều 178 và Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự. Biên bản đối chất phải được đưa vào hồ sơ vụ án, lưu hồ sơ kiểm sát.
Theo đó, Kiểm sát viên vắng mặt khi tiến hành đối chất bị can trong vụ án hình sự cần đáp ứng 02 điều kiện sau:
- Phải được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện về việc vắng mặt trong buổi đối chất.
- Thông báo kịp thời về việc vắng mặt cho Điều tra viên để ghi rõ trong biên bản đối chất.
Sau khi hoàn thành biên bản đối chất, bị can trong vụ án hình sự có quyền không ký vào biên bản không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định biên bản đối chất sẽ được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Căn cứ Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau
Biên bản điều tra
Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Ý kiến bổ sung, nhận xét được ghi vào biên bản; trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản. Người tham gia tố tụng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra cùng ký tên vào biên bản.
Trường hợp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lập biên bản thì biên bản được thực hiện theo quy định tại Điều này. Biên bản phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.
Việc lập biên bản trong giai đoạn khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều này.
Đồng thời căn cứ Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
Biên bản
1. Khi tiến hành hoạt động tố tụng phải lập biên bản theo mẫu thống nhất.
Biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.
2. Biên bản phải có chữ ký của những người mà Bộ luật này quy định. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ.
Trường hợp người tham gia tố tụng không ký vào biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản.
Trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng và chữ ký của người chứng kiến.
Trường hợp người tham gia tố tụng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến và những người tham gia tố tụng khác. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến.
Theo đó, bị can là người tham gia tố tụng được quy định tại khoản 6 Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quyền không ký vào biên bản. Trong trường hợp này, người lập biên bản sẽ ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.