Kí hiệu K1 ghi trên thẻ bảo hiểm y tế có ý nghĩa gì? Thời hạn của thẻ bảo hiểm y tế được quy định thế nào?
Mã ký hiệu K1 trên thẻ bảo hiểm y tế có ý nghĩa gì?
Căn cứ Điều 4 Quyết định 1351/QĐ-BHXH năm 2015 quy định về mã nơi đối tượng sinh sống như sau:
Mã nơi đối tượng sinh sống, gồm 02 ký tự ký hiệu vừa bằng chữ vừa bằng số, cụ thể:
- Ký hiệu K1: là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Ký hiệu K2: là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Ký hiệu K3: là mã nơi người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của pháp luật.
- Đối tượng có ký hiệu là QN, CA, CY đang công tác hoặc cư trú (thường trú hoặc tạm trú) thường xuyên tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc công tác, cư trú tại xã đảo, huyện đảo, được ghi mã nơi đối tượng sinh sống tương ứng với ký hiệu K1, K2, K3 quy định tại các Khoản 1, 2 và Khoản 3, Điều này.
Những thẻ BHYT có mã nơi đối tượng sinh sống (ký hiệu: K1, K2, K3) khi tự đi KCB không đúng tuyến, được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương (không cần giấy chuyển tuyến KCB).
Ta thấy, mã ký hiệu K1 thể hiện trên thẻ bảo hiểm y tế được hiểu là mã nơi đối tượng tham gia bảo hiểm y tế sinh sống, áp dụng với các đối tượng gồm:
– Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật.
– Đối tượng có ký hiệu là QN, CA, CY đang công tác hoặc cư trú (thường trú hoặc tạm trú) thường xuyên tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Những người có mã nơi sinh sống là K1 khi tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương (không cần giấy chuyển tuyến KCB).
Thẻ bảo hiểm y tế
Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng trong bao lâu?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về thời hạn thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng như sau:
- Đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 2, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ tháng đầu tiên hưởng trợ cấp thất nghiệp ghi trong quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền.
- Đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định này:
+ Trường hợp trẻ em sinh trước ngày 30 tháng 9: Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi;
+ Trường hợp trẻ sinh sau ngày 30 tháng 9: Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến hết ngày cuối của tháng trẻ đủ 72 tháng tuổi.
- Đối với đối tượng quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định này, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ ngày được hưởng trợ cấp xã hội tại quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Đối với đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 3, đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này mà được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ ngày được xác định tại quyết định phê duyệt danh sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Đối với đối tượng quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định này, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ ngày được xác định tại Quyết định phê duyệt danh sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Đối với đối tượng quy định tại khoản 14 Điều 3 Nghị định này, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.
- Đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này:
+ Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hằng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó:
++ Đối với học sinh lớp 1: Giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 01 tháng 10 năm đầu tiên của cấp tiểu học;
++ Đối với học sinh lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 9 của năm đó.
+ Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hằng năm cho học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó:
++ Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng;
++ Đối với học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
- Đối với đối tượng khác, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ ngày người tham gia nộp tiền đóng bảo hiểm y tế. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 4, Điều 5 và 6 Nghị định này tham gia bảo hiểm y tế lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 03 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ bảo hiểm y tế có thời hạn sử dụng là 12 tháng kể từ ngày thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 16 Luật bảo hiểm y tế.
- Giá trị sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế quy định tại Điều này tương ứng số tiền đóng bảo hiểm y tế theo quy định, trừ đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi.
Như vậy, tùy vào từng đối tượng tham gia cụ thể mà thẻ bảo hiểm y tế có thời hạn giá trị sử dụng khác nhau.
Thẻ bảo hiểm y tế được cấp theo thủ tục nào?
Thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế được quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 như sau:
- Hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế, bao gồm:
+ Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đối với người tham gia bảo hiểm y tế lần đầu;
+ Danh sách tham gia bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật này do người sử dụng lao động lập.
Danh sách tham gia bảo hiểm y tế của các đối tượng theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 12 Luật này do Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các điểm a, 1 và n khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 12 Luật này.
Danh sách tham gia bảo hiểm y tế của các đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo quy định tại các điểm n khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 12 Luật này do các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề lập.
Danh sách tham gia bảo hiểm y tế của các đối tượng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý quy định tại các điểm a khoản 1, điểm a và điểm n khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 12 Luật này và danh sách của các đối tượng quy định tại điểm 1 khoản 3 Điều 12 Luật này do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an lập.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức bảo hiểm y tế phải chuyển thẻ bảo hiểm y tế cho cơ quan, tổ chức quản lý đối tượng hoặc cho người tham gia bảo hiểm y tế.
- Tổ chức bảo hiểm y tế ban hành mẫu hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế.
Như vậy, các ký hiệu được thể hiện trên thẻ bảo hiểm y tế đều có ý nghĩa theo quy định của pháp luật, trong đối mã ký hiệu K1 được hiểu là mã nơi đối tượng tham gia bảo hiểm y tế sinh sống, áp dụng với các đối tượng cụ thể. Thẻ bảo hiểm y tế được cấp theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định và có thời hạn giá trị sử dụng phụ thuộc vào đối tượng được cấp thẻ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.