Không làm thẻ căn cước có được không? Không làm thẻ căn cước có vi phạm pháp luật? Không làm thẻ căn cước bị phạt bao nhiêu?
Không làm thẻ căn cước có được không? Không làm thẻ căn cước có vi phạm pháp luật?
Căn cứ Điều 7 Luật Căn cước 2023 quy định như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
2. Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
3. Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
4. Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu về căn cước hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
5. Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này.
...
Chiếu theo đó, tại khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước 2023 quy định:
Người được cấp thẻ căn cước
...
2. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
3. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Theo các quy định trên, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên mà không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thì thuộc trường hợp bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước, nếu không sẽ vi phạm quy định của pháp luật và bị xử phạt theo quy định.
Lưu ý: Chỉ bắc buộc phải làm thẻ căn cước đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Đối với công dân Việt Nam dưới 14 tuổi thì được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu (không bắt buộc).
Không làm thẻ căn cước có được không? Không làm thẻ căn cước có vi phạm pháp luật? Không làm thẻ căn cước bị phạt bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Không làm thẻ căn cước bị phạt bao nhiêu tiền?
Hiện nay, theo quy định của Luật Căn cước mới, thẻ căn cước công dân đã được chuyển đổi thành thẻ căn cước, theo đó, chưa có quy định nào mới được ban hành về việc không làm thẻ căn cước sẽ bị phạt bao nhiêu tiền và quy định về việc không thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân vẫn chưa hết hiệu lực.
Do đó, có thể tham khảo quy định về việc phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;
c) Không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
...
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như đã phân tích ở trên, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên mà không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thì thuộc trường hợp bị nghiêm cấm.
Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên mà không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Thẻ căn cước có hình dáng, kích thước thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 16/2024/TT-BCA thì thẻ căn cước có hình dáng, kích thước, chất liệu như sau:
(1) Thẻ căn cước hình chữ nhật, chiều rộng 53,98mm, chiều dài 85,6mm, độ dày 0,76mm, bốn góc được cắt tròn với bán kính 3,18mm.
(2) Thẻ căn cước được sản xuất bằng chất liệu nhựa.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 16/2024/TT-BCA thì hai mặt của thẻ căn cước in hoa văn màu xanh chuyển ở giữa màu vàng đến xanh. Nền mặt trước gồm bản đồ hành chính Việt Nam, trống đồng, các hoa văn, họa tiết truyền thống trang trí. Nền mặt sau gồm các hoa văn được kết hợp với hình ảnh hoa sen và các đường cong vắt chéo đan xen.
Đồng thời, hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và ảnh khuôn mặt của người được cấp thẻ căn cước (đối với thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 06 tuổi trở lên) được in màu trực tiếp trên thẻ căn cước. Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đường kính 12mm; ảnh khuôn mặt của người được cấp thẻ căn cước kích thước 20mm x 30mm; vị trí in mã QR kích thước 18mm x 18mm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.