Không giao kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất như thỏa thuận thì có quyền đòi lại tiền đặt cọc hay không?
- Không giao kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất như thỏa thuận thì có quyền đòi lại tiền đặt cọc hay không?
- Có thể yêu cầu bên mua bồi thường có hành vi bêu xấu bên bán trên mạng xã hội để đòi tiền cọc hay không?
- Người có hành vi xúc phạm đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội thì bị xử phạt như thế nào?
Không giao kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất như thỏa thuận thì có quyền đòi lại tiền đặt cọc hay không?
Căn cứ Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc đặt cọc khi giao kết hợp đồng như sau:
"Điều 328. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Theo đó, việc đặt cọc là để đảm bảo thực hiện giao kết hợp đồng giữa hai bên như đã thỏa thuận.
Nếu trong hợp đồng giao dịch không quy định điều nào khác về tiền đặt cọc thì trong trường hợp này khi người mua từ chối giao kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất thì khoản tiền đã đặt cọc trước đó sẽ thuộc về bên bán.
Tiền đặt cọc chỉ được trả lại trong trường hợp bên nhận tiền đặt cọc từ chối việc giao kết hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.
Không giao kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất như thỏa thuận thì có quyền đòi lại tiền đặt cọc hay không?
Có thể yêu cầu bên mua bồi thường có hành vi bêu xấu bên bán trên mạng xã hội để đòi tiền cọc hay không?
Căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
"Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này."
Theo quy định thì người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Như vậy, nếu bên mua có hành vi đưa thông tin sai sự thật xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín bên bán để đòi tiền đặt cọc thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường.
Mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
Người có hành vi xúc phạm đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 99 Nghi định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trang thông tin điện tử như sau:
"Điều 99. Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về tên của tổ chức quản lý trang thông tin điện tử, tên cơ quan chủ quản (nếu có), địa chỉ liên lạc, thư điện tử, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung trên trang chủ của trang thông tin điện tử.
...
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
b) Đăng, phát, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;
c) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
d) Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác;
đ) Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;
..."
Theo đó, bên mua có sẽ bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.