Không dừng lại khi thấy biển stop thì người lái xe máy bị xử phạt bao nhiêu tiền? Có bị tước bằng lái xe không?
Việc chấp hành báo hiệu đường bộ được quy định thế nào?
Quy định chấp hành báo hiệu đường bộ tại Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:
Chấp hành báo hiệu đường bộ
1. Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
3. Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.
4. Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.
Theo đó, người tham gia giao thông phải chấp hành những quy định tại Điều 11 nêu trên. Trong đó, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
Không dừng lại khi thấy biển stop (Hình từ Internet)
Không dừng lại khi thấy biển stop thì người lái xe máy bị xử phạt bao nhiêu tiền? Có bị tước bằng lái xe không?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người lái xe máy không dừng lại khi thấy biển stop được quy định tại điểm a khoản 1, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm e khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e, điểm h khoản 2; điểm a, điểm d, điểm g, điểm i, điểm m khoản 3; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e khoản 4; khoản 5; điểm b khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm d khoản 8 Điều này;
...
10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
...
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng, tịch thu phương tiện. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: Điểm a, điểm g, điểm h, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n, điểm q khoản 1; điểm b, điểm d, điểm e, điểm g, điểm l, điểm m khoản 2; điểm b, điểm c, điểm k, điểm m khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4 Điều này;
...
Theo quy định trên, người lái xe máy không dừng lại khi thấy biển stop có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Trường hợp gây tai nạn giao thông thì người này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (bằng lái xe) từ 02 tháng đến 04 tháng.
Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông được quyền xử phạt lái xe máy không dừng lại khi thấy biển stop không?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát giao thông như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt
...
2. Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm, khoản, điều của Nghị định này như sau:
a) Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11;
...
Thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông được quy định tại khoản 6 Điều 76 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 28 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân
...
6. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
Như vậy, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất là 75.000.000 đồng.
Do người lái xe máy không dừng lại khi thấy biển stop có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 200.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (nếu gây tai nạn) nên Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có quyền xử phạt người này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.