Không cung cấp cho người dùng công cụ ngăn chặn thư điện tử rác thì doanh nghiệp dịch vụ Internet sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao?
- Trong việc ngăn chặn thư điện tử rác thì doanh nghiệp dịch vụ Internet có trách nhiệm gì?
- Người sử dụng thư điện tử có quyền và nghĩa vụ gì trong việc ngăn chặn thư điện tử rác?
- Không cung cấp cho người dùng công cụ ngăn chặn thư điện tử rác thì doanh nghiệp dịch vụ Internet sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao?
Trong việc ngăn chặn thư điện tử rác thì doanh nghiệp dịch vụ Internet có trách nhiệm gì?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet như sau:
Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng
1. Hướng dẫn Người sử dụng dịch vụ về cách thức chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
2. Hướng dẫn, cung cấp cho Người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cho phép Người sử dụng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
3. Thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến Danh sách không quảng cáo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này.
4. Ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Chủ động đặt ngưỡng tần suất và điều chỉnh tần suất để xác định thuê bao nghi ngờ phát tán tin nhắn rác và đạt được hiệu quả chặn tin nhắn rác tùy theo tính chất, phạm vi và thời điểm chặn tin nhắn rác.
6. Xây dựng, vận hành hệ thống kỹ thuật để chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến.
7. Cung cấp, cập nhật và chia sẻ các mẫu tin nhắn rác dùng chung cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông khác.
8. Xây dựng, kết nối hệ thống kỹ thuật quản lý tên định danh của mình tới Hệ thống quản lý tên định danh quốc gia; ngăn chặn người quảng cáo gửi tin nhắn sử dụng tên định danh không do Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) cấp.
9. Lưu trữ thông tin đăng ký quảng cáo, thông tin yêu cầu từ chối, thông tin xác nhận từ chối của Người sử dụng trong trường hợp Người sử dụng thực hiện các hành động đăng ký, từ chối, xác nhận từ chối quảng cáo bằng hình thức tin nhắn qua hệ thống của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trong thời gian tối thiểu là 01 năm.
10. Xây dựng, cập nhật, cung cấp và chia sẻ Danh sách đen địa chỉ IP/tên miền phát tán thư điện tử rác dùng chung cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet khác.
11. Căn cứ vào bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, cuộc gọi rác để thực hiện các biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
12. Chặn lọc các địa chỉ IP/tên miền phát tán hoặc bị lạm dụng phát tán thư điện tử rác thuộc quyền quản lý của mình.
13. Phối hợp với Người quảng cáo, các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong nước và quốc tế để ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
14. Thực hiện các biện pháp đánh giá tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác trên mạng viễn thông của mình và báo cáo, thống kê định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin).
15. Không được thu cước tin nhắn khi:
a) Người sử dụng nhắn tin từ chối nhận quảng cáo;
b) Các tin nhắn quảng cáo lỗi;
c) Tin nhắn có nội dung, giá cước không chính xác mà người quảng cáo đã công bố.
16. Báo cáo, thống kê định kỳ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, trong việc ngăn chặn thư điện tử rác thì doanh nghiệp dịch vụ internet sẽ có trách nhiệm sau:
(1) Ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tán thư điện tử rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(2) Xây dựng, vận hành hệ thống kỹ thuật để chống, ngăn chặn thư điện tử rác áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến.
(3) Xây dựng, cập nhật, cung cấp và chia sẻ Danh sách đen địa chỉ IP/tên miền phát tán thư điện tử rác dùng chung cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet khác.
(4) Chặn lọc các địa chỉ IP/tên miền phát tán hoặc bị lạm dụng phát tán thư điện tử rác thuộc quyền quản lý của mình.
(5) Phối hợp với Người quảng cáo, các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong nước và quốc tế để ngăn chặn thư điện tử rác.
Không cung cấp cho người dùng công cụ ngăn chặn thư điện tử rác thì doanh nghiệp dịch vụ Internet sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao? (Hình từ Internet)
Người sử dụng thư điện tử có quyền và nghĩa vụ gì trong việc ngăn chặn thư điện tử rác?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của người dùng như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng
1. Chuyển tiếp thông tin về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác về hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) hoặc của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử.
2. Được quyền nhận hoặc từ chối nhận quảng cáo.
3. Phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử, Người quảng cáo và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Theo quy định thì ngưòi dùng thư điện tử có quyền chuyển tiếp thông tin về thư điện tử rác về hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) hoặc của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử.
Bên cạnh đó, người dùng còn có trách nhiệm phải phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chống thư điện tử rác.
Không cung cấp cho người dùng công cụ ngăn chặn thư điện tử rác thì doanh nghiệp dịch vụ Internet sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao?
Căn cứ Điều 95 Nghị định 15/2020/NĐ-CP bổ sung bởi Điều 33 Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không cung cấp công cụ ngăn chặn thư điện tử rác như sau:
Vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ thư điện tử, tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo, dịch vụ nội dung qua tin nhắn
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
c) Không cung cấp công cụ, ứng dụng cho phép người sử dụng tự chủ động ngăn chặn thư điện tử rác và phản ánh về thư điện tử rác;
d) Không có biện pháp chặn, lọc, cập nhật danh sách các nguồn phát tán thư điện tử rác hoặc không có giải pháp để tránh mất mát và ngăn chặn nhầm thư điện tử của người sử dụng;
đ) Không giám sát, kiểm soát, rà quét hệ thống máy chủ thư điện tử của mình để đảm bảo không trở thành nguồn phát tán thư điện tử rác;
e) Không báo cáo, thống kê định kỳ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
...
Căn cứ Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
...
Như vậy, nếu không cung cấp công cụ, ứng dụng cho phép người sử dụng tự chủ động ngăn chặn thư điện tử rác thì doanh nghiệp dịch vụ Internet sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.