Không có bằng cấp ba có được học đại học không? Người học Đại học cần đạt bao nhiêu tín chỉ để tốt nghiệp Đại học?
Không có bằng cấp ba có được học đại học không?
Bằng cấp 3 được hiểu là loại văn bằng được cấp bởi các trường trung học phổ thông, chứng nhận rằng người nhận đã hoàn thành thành công chương trình học trung học phổ thông.
Căn cứ theo điểm b khoản 4 Điều 2 Quyết định 1981/QĐ-TTg năm 2016 quy định về tiêu chuẩn đầu vào, thời gian học tập và cơ hội học tập tiếp theo của các cấp học và trình độ đào tạo:
Tiêu chuẩn đầu vào, thời gian học tập và cơ hội học tập tiếp theo của các cấp học và trình độ đào tạo
...
4. Giáo dục đại học:
a) Giáo dục trình độ đại học và giáo dục trình độ thạc sĩ có 2 định hướng: nghiên cứu và ứng dụng; giáo dục trình độ tiến sĩ theo định hướng nghiên cứu.
...
b) Các chương trình đào tạo trình độ đại học tiếp nhận người đã tốt nghiệp trung học phổ thông; người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng.
Chương trình đào tạo đại học có thời gian tương đương 3 đến 5 năm học tập trung đối với người tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Người tốt nghiệp trình độ đại học có thể học tiếp lên thạc sĩ theo hướng chuyên môn phù hợp hoặc được nhận vào học các hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được điều kiện của chương trình đào tạo. Người tốt nghiệp trình độ đại học có kết quả học tập xuất sắc có thể được xét tuyển thẳng vào chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ đúng hướng chuyên môn ở trình độ đại học.
....
Cùng với đó viện dẫn đến khoản 1 Điều 5 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định:
Đối tượng, điều kiện dự tuyển
1. Đối tượng dự tuyển được xác định tại thời điểm xét tuyển (trước khi công bố kết quả xét tuyển chính thức), bao gồm:
a) Người đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương;
b) Người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, tiêu chuẩn đầu vào chương trình đào tạo trình độ đại học như sau:
- Người đã tốt nghiệp trung học phổ thông;
- Người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng.
Cùng với đó, đối tượng dự tuyển được xác định tại thời điểm xét tuyển (trước khi công bố kết quả xét tuyển chính thức), bao gồm:
- Người đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương;
- Người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật.
Như vậy trong trường hợp không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (cấp 3) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương thì phải có một trong các giấy tờ chứng minh sau thì mới đủ tiêu chuẩn đầu vào chương trình đào tạo trình độ đại học:
- Bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật.
- Giấy tờ chứng minh đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng.
Không có bằng cấp ba có được học đai học không? Người học Đại học cần đạt bao nhiêu tín chỉ để tốt nghiệp Đại học? (Hình từ Internet)
Người học Đại học cần đạt bao nhiêu tín chỉ để tốt nghiệp Đại học?
Căn cứ Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 1982/QĐ-TTg năm 2016 quy định về số lượng tín chỉ tối thiểu đối với từng bậc trình độ trong khung trình độ quốc gia Việt Nam. Tải về
Theo đó, số lượng tín chỉ tối thiểu để hoàn thành chương trình đào tạo đối với từng bậc trình độ trong khung trình độ quốc gia Việt Nam như sau:
- Bậc 1 - Chứng chỉ 1: 05 tín chỉ;
- Bậc 2 - Chứng chỉ 2: 15 tín chỉ;
- Bậc 3 - Chứng chỉ 3: 25 tín chỉ;
- Bậc 4 - Bằng Trung cấp:
+ Đối với người có bằng tốt nghiệp THPT: 35 tín chỉ;
+ Đối với người có bằng tốt nghiệp THCS: 50 tín chỉ.
- Bậc 5 - Bằng Cao đẳng: 60 tín chỉ;
- Bậc 6 - Bằng Đại học: 120 - 180 tín chỉ;
- Bậc 7 - Bằng Thạc sĩ: 30 - 60 tín chỉ;
- Bậc 8 - Bằng Tiến sĩ: 90 - 120 tín chỉ.
Như vậy, người học Đại học cần phải đạt từ: 120 tín chỉ đến 180 tín chỉ thì sẽ tốt nghiệp Đại học
Chương trình đào tạo cho người học Đại học sẽ bao gồm những nội dung nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 36 Luật Giáo dục đại học 2012 được sửa đổi bởi khoản 21 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 và khoản 1 Điều 2 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định về chương trình đào tạo giáo dục đại học như sau:
- Chương trình đào tạo bao gồm mục tiêu, khối lượng kiến thức, cấu trúc, nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá đối với môn học, ngành học, trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam;
- Chương trình đào tạo được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, bao gồm các loại chương trình định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, định hướng nghề nghiệp; bảo đảm yêu cầu liên thông giữa các trình độ, ngành đào tạo; bảo đảm quy định về chuẩn chương trình đào tạo;
- Cơ sở giáo dục đại học được sử dụng chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp cấp; bảo đảm quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ
- Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, có trách nhiệm giải trình trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ;
- Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tự chủ, có trách nhiệm giải trình trong việc xây dựng chương trình đào tạo và thực hiện chương trình đào tạo đã được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam, bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, không có nội dung xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình, an ninh thế giới; không có nội dung truyền bá tôn giáo;
- Chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục thường xuyên có nội dung như chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.