Khi xảy ra sự cố gây ô nhiễm nguồn nước mà cơ sở sản xuất không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị xử phạt thế nào?
- Khi xảy ra sự cố gây ô nhiễm nguồn nước mà cơ sở sản xuất không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị xử phạt thế nào?
- Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt cơ sở sản xuất không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố gây ô nhiễm nguồn nước không?
- Việc khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước được thực hiện thế nào?
Khi xảy ra sự cố gây ô nhiễm nguồn nước mà cơ sở sản xuất không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị xử phạt thế nào?
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 24 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước như sau:
Vi phạm các quy định về ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước
1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không xây dựng phương án ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước;
b) Không trang bị đủ các phương tiện, thiết bị cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do hành vi vi phạm gây ra;
c) Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố gây ô nhiễm nguồn nước.
2. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do hành vi vi phạm gây ra.
3. Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không mực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố do hành vi vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước do hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính như sau:
Áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính
1. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo quy định trên, cơ sở sản xuất không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố gây ô nhiễm nguồn nước thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Ô nhiễm nguồn nước (Hình từ Internet)
Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt cơ sở sản xuất không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố gây ô nhiễm nguồn nước không?
Theo khoản 2 Điều 63 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 29 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quền của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường như sau:
Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường
...
2. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này, cụ thể như sau:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
...
Theo đó, cơ sở sản xuất không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố gây ô nhiễm nguồn nước thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 100.000.000 đồng nên Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường không có quyền xử phạt cơ sở sản xuất này.
Việc khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước được thực hiện thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Tài nguyên nước 2012 về ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt như sau:
Ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt
1. Việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước được thực hiện như sau:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước có trách nhiệm xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do mình gây ra;
b) Trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương có trách nhiệm xác định rõ nguyên nhân, tổ chức, cá nhân gây ra sự cố; phối hợp giảm thiểu tác hại do sự cố gây ra; giám sát, đánh giá mức độ suy giảm chất lượng nước, thiệt hại do sự cố gây ra để yêu cầu đối tượng gây ra sự cố bồi thường thiệt hại;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố ô nhiễm nguồn nước có trách nhiệm chủ động tiến hành các biện pháp ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm thuộc phạm vi quản lý, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan trong quá trình ngăn chặn, xử lý sự cố và báo cáo kịp thời với Bộ Tài nguyên và Môi trường;
d) Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, ngoài việc bị xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật còn có trách nhiệm khắc phục hậu quả ô nhiễm, suy thoái nguồn nước trước mắt, cải thiện, phục hồi chất lượng nước về lâu dài và bồi thường thiệt hại do mình gây ra.
...
Như vậy, việc khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.