Khi tiếp nhận người bệnh không có thân nhân thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phải lập biên bản không?
- Người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu không có giấy tờ tùy thân được xem người bệnh không có thân nhân là đúng không?
- Khi tiếp nhận người bệnh không có thân nhân thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phải lập biên bản không?
- Việc phẫu thuật đối với người bệnh chưa thành niên và không có thân nhân được thực hiện thế nào?
Người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu không có giấy tờ tùy thân được xem người bệnh không có thân nhân là đúng không?
Quy định về người bệnh không có thân nhân tại khoản 10 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 như sau:
Người bệnh không có thân nhân là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu không có giấy tờ tùy thân, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin để liên lạc với thân nhân;
b) Người bệnh tại thời điểm vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và không có giấy tờ tùy thân, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin để liên lạc với thân nhân;
c) Người bệnh đã xác định được danh tính nhưng tại thời điểm vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin để liên lạc với thân nhân;
d) Trẻ em dưới 06 tháng tuổi bị bỏ rơi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, người bệnh không có thân nhân là người thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 10 Điều 2 nêu trên.
Do đó, trường hợp người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu không có giấy tờ tùy thân, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin để liên lạc với thân nhân thì được xem là người bệnh không có thân nhân.
Người bệnh không có thân nhân (Hình từ Internet)
Khi tiếp nhận người bệnh không có thân nhân thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phải lập biên bản không?
Việc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phải lập biên bản khi tiếp nhận người bệnh không có thân nhân không, theo quy định tại Điều 72 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 như sau:
Tiếp nhận và xử lý đối với người bệnh không có thân nhân
1. Khi tiếp nhận, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh không có thân nhân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm kiểm kê, lập biên bản và lưu giữ tài sản của người bệnh.
2. Trong thời gian 48 giờ kể từ khi tiếp nhận người bệnh mà vẫn không thể xác định được thân nhân của người bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm sau đây:
a) Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở để báo tìm thân nhân của người bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng;
b) Lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội đối với trẻ em dưới 06 tháng tuổi bị bỏ rơi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Trường hợp người bệnh đã được điều trị ổn định mà vẫn không thể xác định được thân nhân và thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội.
4. Trường hợp người bệnh tử vong, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm giải quyết theo quy định tại Điều 73 của Luật này.
5. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh trong thời gian từ khi tiếp nhận đến khi hoàn thành thủ tục chuyển người bệnh đến cơ sở trợ giúp xã hội hoặc đến khi người bệnh tử vong.
6. Chính phủ quy định việc chi trả chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng quy định tại Điều này và việc xử lý đối với người bệnh không có thân nhân là người nước ngoài.
Theo quy định trên, khi tiếp nhận người bệnh không có thân nhân thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm kiểm kê, lập biên bản và lưu giữ tài sản của người bệnh.
Việc phẫu thuật đối với người bệnh chưa thành niên và không có thân nhân được thực hiện thế nào?
Quy định về phẫu thuật đối với người bệnh chưa thành niên và không có thân nhân tại Điều 65 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 như sau:
Thực hiện phẫu thuật, can thiệp có xâm nhập cơ thể
1. Việc phẫu thuật hoặc can thiệp có xâm nhập cơ thể đối với người bệnh chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 8 của Luật này.
2. Việc phẫu thuật hoặc can thiệp có xâm nhập cơ thể đối với người bệnh là người bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên hoặc người bệnh không có thân nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Luật này.
Dẫn chiếu khoản 3 Điều 15 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định như sau:
Việc thực hiện quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bệnh là người chưa thành niên và người bệnh không có thân nhân
...
3. Trường hợp người bệnh là người chưa thành niên thì thực hiện như sau:
a) Nếu có người đại diện quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 8 của Luật này thì thực hiện theo quyết định của người đại diện;
b) Nếu không có người đại diện quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 8 của Luật này thì thực hiện theo quyết định của người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo quy định trên, việc phẫu thuật đối với người bệnh chưa thành niên và không có thân nhân được thực hiện theo quyết định của người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.