Khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính cơ quan nhà nước có tiến hành lấy ý kiến của công dân đang cư trú trên địa bàn không?
- Khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính cơ quan nhà nước có tiến hành lấy ý kiến của công dân đang cư trú trên địa bàn không?
- Những người nào không được điền tên vào danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sáp nhập địa giới hành chính?
- Đổi căn cước công dân do sáp nhập địa giới hành chính có mất phí không?
Khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính cơ quan nhà nước có tiến hành lấy ý kiến của công dân đang cư trú trên địa bàn không?
Căn cứ Điều 6 Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 quy định về việc lấy ý kiến cử tri về phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã:
"Điều 6. Lấy ý kiến cử tri về phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi nội dung phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính có liên quan đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã để thực hiện việc lấy ý kiến cử tri.
2. Danh sách cử tri được niêm yết trong thời hạn 15 ngày trước ngày tổ chức lấy ý kiến cử tri.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri và tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri gửi Ủy ban nhân dân cấp trên và Hội đồng nhân dân cùng cấp trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính và mẫu phiếu lấy ý kiến.
4. Các nội dung khác về trình tự, thủ tục tổ chức lấy ý kiến cử tri về phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và hướng dẫn của Chính phủ."
Theo đó, khi sáp nhập địa giới hành chính các phường trong cùng một quận thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi nội dung phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính có liên quan đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã để thực hiện việc lấy ý kiến cử tri theo danh sách cử tri được niêm yết.
Sáp nhập địa giới hành chính
Những người nào không được điền tên vào danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sáp nhập địa giới hành chính?
Căn cứ Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định về tuổi bầu cử như sau
"Điều 2. Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử
Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này."
Căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri như sau:
"Điều 30. Những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri
1. Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri."
Theo đó, những người tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri.
Những người tuy đủ mười tám tuổi trở lên nhưng đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
Như vậy, có thể trong quá trình thành lập danh sách cử tri bạn chưa đáp ứng những điều kiện làm cử tri nên không được ghi tên vào danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sáp nhập địa giới hành chính các phường tại nơi bạn đang cư trú.
Đổi căn cước công dân do sáp nhập địa giới hành chính có mất phí không?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 59/2019/TT-BTC quy định các trường hợp được miễn lệ phí khi cấp, đổi căn cước công dân:
"Điều 5. Các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí
1. Các trường hợp miễn lệ phí
a) Đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;
b) Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;
c) Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa."
Theo đó, khi bạn đổi thẻ căn cước công dân do Nhà nước sáp nhập địa giới hành chính sẽ được miễn lệ phí.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.