Tàu hỏa chạy trên đường sắt cần đáp ứng điều kiện gì? Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt được quy định như thế nào?
Phương tiện giao thông đường sắt là gì?
Theo quy định tại khoản 26 Điều 3 Luật Đường sắt 2017 định nghĩa về phương tiện giao thông đường sắt như sau:
Phương tiện giao thông đường sắt là đầu máy, toa xe, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.
Theo đó, tại khoản 28 Điều 3 Luật Đường sắt 2017 có quy định tàu cũng là phương tiện giao thông đường sắt, cụ thể:
Tàu là phương tiện giao thông đường sắt được lập bởi đầu máy và toa xe hoặc đầu máy chạy đơn, toa xe động lực, phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.
Tàu hỏa chạy trên đường sắt cần đáp ứng điều kiện gì?
Điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông đường sắt
Phương tiện giao thông đường sắt khi tham gia giao thông đường sắt phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 30 Luật Đường sắt 2017:
- Phương tiện giao thông đường sắt khi tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
+ Có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt do cơ quan có thẩm quyền cấp;
+ Có Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt hoặc Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.
- Phương tiện giao thông đường sắt khi di chuyển trong trường hợp đặc biệt được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt
Theo Điều 31 Luật Đường sắt 2017 quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt như sau:
- Phương tiện giao thông đường sắt khi đáp ứng các yêu cầu sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt:
+ Có nguồn gốc hợp pháp;
+ Đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Phương tiện giao thông đường sắt khi thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi các thông số kỹ thuật chủ yếu thì chủ phương tiện phải làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt.
- Khi chuyển quyền sở hữu, chủ sở hữu mới của phương tiện giao thông đường sắt phải làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt theo tên chủ sở hữu mới.
- Chủ sở hữu phương tiện giao thông đường sắt phải khai báo và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt để xóa đăng ký trong các trường hợp sau đây:
+ Phương tiện giao thông đường sắt không còn sử dụng cho giao thông đường sắt;
+ Phương tiện giao thông đường sắt bị mất tích, bị phá huỷ.
Về việc cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định theo khoản 5 Điều 31 Luật Đường sắt 2017, cụ thể như sau:
* Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt được quy định tại Điều 5 Thông tư 21/2018/TT-BGTVT và khoản 2, khoản 3 Điều 1 Thông tư 13/2021/TT-BGTVT bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký của chủ sở hữu phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư 21/2018/TT-BGTVT.
- Các giấy tờ hợp pháp của phương tiện bao gồm:
+ Chứng từ chứng minh đã nộp lệ phí trước bạ (nếu có);
+ Hợp đồng mua bán, cho, tặng; quyết định điều chuyển phương tiện. Đối với giấy tờ của phương tiện bằng tiếng nước ngoài thì phải nộp kèm theo bản dịch tiếng Việt đã được công chứng dịch thuật; hóa đơn bán hàng của tổ chức phát hành hóa đơn bán hàng nếu phương tiện bán ra đã chuyển qua nhiều tổ chức, cá nhân thì khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ cần hóa đơn bán hàng của tổ chức, cá nhân bán cuối cùng; Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện do tổ chức đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cấp còn hiệu lực.
- Trường hợp trong cùng một hợp đồng mua bán, cho, tặng phương tiện, hóa đơn bán hàng, tờ khai hải quan của hồ sơ có kê khai nhiều phương tiện thì chủ sở hữu phương tiện có trách nhiệm cung cấp bảng kê khai cho từng phương tiện đề nghị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoặc hồ sơ đối với từng phương tiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
- Đối với phương tiện nhập khẩu ngoài các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều này thì cần phải có thêm tờ khai hải quan dùng cho phương tiện nhập khẩu hoặc tờ khai hải quan điện tử đã được thông quan.
- Đối với phương tiện giao thông đường sắt đô thị, trường hợp phương tiện không có hợp đồng mua bán, hóa đơn riêng (do việc mua bán các phương tiện đó chỉ là hợp phần của gói thầu và không thể tách rời) thì chủ sở hữu phải có bản cam kết xác nhận các phương tiện đó thuộc quyền sở hữu và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có các tranh chấp sở hữu phát sinh.
* Trình tự thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký được quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư 13/2021/TT-BGTVT như sau:
- Các hình thức nộp hồ sơ
Chủ sở hữu phương tiện nộp 01 bộ hồ sơ làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký gửi đến Cục Đường sắt Việt Nam theo một trong các hình thức sau: trực tiếp, qua môi trường mạng, qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác.
- Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
+ Trường hợp nộp hồ sơ nộp trực tiếp:
Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra hồ sơ theo quy định của Thông tư này. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn chủ sở hữu phương tiện bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
+ Trường hợp hồ sơ nộp qua môi trường mạng tại Cổng dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải địa chỉ website https://dichvucong.mt.gov.vn hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia về đăng ký:
Chủ sở hữu phương tiện tiếp nhận thông tin về tiến trình xử lý hồ sơ đã gửi Cục Đường sắt Việt Nam qua: email, tin nhắn điện thoại, tài khoản của chủ sở hữu phương tiện trên Cổng dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra hồ sơ kê khai của chủ sở hữu phương tiện trên môi trường mạng. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ qua môi trường mạng, Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn chủ sở hữu phương tiện bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
+ Trường hợp nhận được hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác. Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận được hồ sơ, Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn chủ sở hữu phương tiện bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký
Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và đúng theo quy định và chủ sở hữu phương tiện đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký. Trường hợp không cấp, Cục Đường sắt Việt Nam có văn bản trả lời cho chủ sở hữu phương tiện và nêu rõ lý do.
Như vậy, phương tiện giao thông đường sắt là đầu máy, toa xe, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt và theo quy định của Luật Đường sắt 2017 thì tàu là phương tiện giao thông đường sắt được lập bởi đầu máy và toa xe hoặc đầu máy chạy đơn, toa xe động lực, phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt. Theo đó, phương tiện giao thông đường sắt khi tham gia giao thông đường sắt phải đáp ứng các điều kiện cụ thể, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.